Một công ty đang đề xuất với tỉnh Quảng Ngãi xin làm dự án du lịch tổng diện tích 54,6 ha trên đảo Lý Sơn nhưng… phải lấp đến 51 ha biển.
“Khi được đầu tư, ngoài việc tạo thêm quỹ đất ở, dự án còn tạo thêm quỹ đất công cộng ước tính khoảng 30 ha, chiếm 60% diện tích quy hoạch của dự án, phục vụ nhu cầu phát triển hiện nay và tương lai của huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi”. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, đại diện truyền thông Công ty CP Phát triển Lý Sơn (Công ty Lý Sơn - PV), chủ đầu tư dự án khu đô thị thương mại dịch vụ The Sea Eyes (dự án The Sea Eyes - PV) cho biết như trên.
Người dân khó đồng thuận
Sau Tết âm lịch, người dân đảo Lý Sơn vẫn còn hân hoan hậu mùa lễ hội đua thuyền truyền thống hằng năm. Trước đình làng An Vĩnh, các bô lão vẫn chưa dứt lời khen đội đua thuyền vô địch năm nay - đội thuyền rồng xã An Hải. Nhưng trong câu chuyện vui sau Tết lại xen lẫn trầm tư khi thông tin về dự án The Sea Eyes muốn lấp 51 ha biển thì trường đua thuyền sẽ chỉ còn là quá khứ.
Ông Phù Nhất (thôn Tây, xã An Vĩnh) than thở: “Họ (chủ đầu tư - PV) làm biệt thự lên bán cho đại gia các nơi khác đến, chứ dân ở đây có tiền để mua đâu mà nói là tạo quỹ đất ở cho dân”.
Sinh ra và lớn lên trên đảo Lý Sơn, ông Nhất hiểu rõ hồn cốt thiêng liêng của đảo này, phần nhiều nằm ngay bến Đình, từ đình làng An Vĩnh hướng tầm mắt ra biển. Cũng tại nơi này, hình ảnh hải đội Hoàng Sa được tái hiện qua lễ khao lề thế lính tổ chức hằng năm. “Lớp lớp biệt thự, khách sạn cao tầng mọc lên án ngữ bến Đình thì còn đâu di tích, còn đâu văn hóa. Chưa kể người dân mất thu nhập từ rong mơ, thạch rau câu… vì bê tông, đất đá lấn biển cũng lấp đi hết” - ông Nhất nói.
Theo tìm hiểu, ngày 20-12-2018, xã An Vĩnh tổ chức họp dân lần đầu về dự án The Sea Eyes. Nhưng do xã chỉ mời được vài chục người tham dự nên các ý kiến chưa đại diện được hết ý chí của dân đảo Lý Sơn.
Đến ngày 11-1, huyện Lý Sơn tổ chức họp dân với hàng trăm người tham gia. Trong tổng số 21 ý kiến đóng góp của người dân, có đến 18 ý kiến không đồng thuận về dự án. Đại đa số người dân đề nghị chính quyền xem xét, đánh giá cẩn trọng, đảm bảo việc phát triển đi đôi với bảo tồn giá trị văn hóa của huyện đảo.
Các bên liên quan nói gì?
Trao đổi với PV, ông Trần Minh Hoằng, Chánh Văn phòng HĐND-UBND huyện Lý Sơn, cung cấp báo cáo của huyện này về kết quả các lần họp dân nói trên. Tại báo cáo do ông Nguyễn Quốc Việt, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, ký có ý kiến của UBND huyện phần nào thể hiện quan điểm của lãnh đạo huyện này.
Cụ thể, theo báo cáo: “Những ý kiến chưa đồng thuận về chủ trương đầu tư do chủ yếu nhìn thấy mặt xung đột trước mắt của dự án, cùng với sự lo lắng về ảnh hưởng tới giá trị văn hóa truyền thống mà chưa nhận thấy tác động của sự lan tỏa đối với sự phát triển chung của huyện đảo trong tương lai... Bởi dự án có quy mô lớn nhất từ trước đến nay và nhiều vấn đề về kỹ thuật mà ở các giai đoạn tiếp theo sau khi có quyết định chủ trương đầu tư mới giải quyết được như đánh giá tác động môi trường, khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi…”.
Ông Lê Quang Thích, Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi, cho rằng dự án thực hiện sẽ góp phần giải quyết vấn đề khó khăn về đất ở cho cư dân trên đảo và nhu cầu định cư trên đảo để kinh doanh dịch vụ. Bởi Lý Sơn có diện tích nhỏ, lại bị sóng biển xâm thực, mật độ dân số cao, nhu cầu đất ở ngày càng nhiều.
Để giải tỏa những băn khoăn của người dân, đại diện truyền thông Công ty Lý Sơn cho hay đơn vị sẽ đầu tư khu vực bãi đua thuyền mới kèm theo đó là khu vực khán đài với vài ngàn mét vuông dọc bờ kè giúp cho nhân dân và du khách đến tham dự lễ hội đua thuyền.
Về vấn đề bảo tồn cảnh quan, không gian hướng biển của khu vực đình, miếu, dinh…, dự án đã nghiên cứu theo hướng giữ nguyên hiện trạng, không xâm phạm cảnh quan. “Chúng tôi vẫn đang nghiên cứu để tạo không gian mở, tiếp cận khu vực này bằng các hệ thống đường giao thông, công viên cây xanh” - vị này nói.
Chủ đầu tư cũng cam kết giải quyết kế sinh nhai cho người dân bằng cách ưu tiên cho họ tham gia kinh doanh, buôn bán tại những khu chợ, khu thương mại của dự án.
PV cũng đặt câu hỏi về việc dự án có một phần diện tích nằm trong khu bảo tồn và phục hồi rong biển, quy hoạch nuôi trồng thủy sản của đảo Lý Sơn, chủ đầu tư khẳng định Ban quản lý Khu bảo tồn biển Lý Sơn đã có ý kiến rằng vị trí dự án là vũng nước cạn, nền đáy chủ yếu là san hô chết, cát, rong và cỏ biển. Điều này thể hiện trong Văn bản 148/KBTBLS do ông Phùng Đình Toàn, Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn biển Lý Sơn ký, gửi Sở Xây dựng để tổng hợp, gửi UBND tỉnh Quảng Ngãi.
(PLTPHCM)