Gần đây, đại gia trong ngành dược gây chú ý trên thị trường địa ốc với việc thâu tóm 3 khu đất vàng tại Khu đô thị Ciputra để phát triển các dự án cao ốc chung cư, biệt thự tại đây. Trước đó, hàng loạt dự án đất vàng khác tại Hà Nội về tay đại gia này thông qua hình thức M&A, hợp tác đầu tư.
Ciputra gần đây trở thành "điểm nóng" về quy hoạch xây dựng các dự án bất động sản thành phần trong quần thể dự án khu đô thị hơn 300ha này khi người dân phản đối và có văn bản gửi TP Hà Nội về việc điều chỉnh quy hoạch nhiều lô đất tại đây. Thủ tướng Chính phủ cũng vừa có ý kiến yêu cầu Hà Nội xử lý phản ánh của người dân về nguy cơ vỡ quy hoạch tại Ciputra.
Khu đô thị Ciputra được xem là một trong những khu đô thị kiểu mẫu tại Hà Nội và được giới nhà giàu ưa chuộng khi Chủ đầu tư dự án này là Công ty TNHH Phát triển Khu đô thị Nam Thăng Long (Liên danh giữa UDIC và Tập đoàn Ciputra của Indonesia) xây dựng giai đoạn 1. Những năm gần đây, thị trường BĐS sôi động, chủ đầu tư cũng đã đẩy mạnh phát triển một số dự án như khu thấp tầng như Grand Gardenville, Central Park và cao tầng theLINK.
Khoảng giữa 2018 Công ty Nam Thăng Long bắt đầu chuyển nhượng thứ cấp hàng loạt lô đất thuộc phần quy hoạch giai đoạn 2, giai đoạn 3 của khu đô thị này. Song song đó, Chủ đầu tư cũng đang đề xuất TP Hà Nội điều chỉnh quy hoạch ở nhiều lô đất nhưng bị cư dân phản đối. Việc chuyển nhượng này đã góp phần không nhỏ trong việc gia tăng doanh thu và lợi nhuận của UDIC.
Trong số nhiều lô đất được chuyển nhượng, tập đoàn dược phẩm Vimedimex Group gây chú ý khi thâu tóm 3 lô đất vàng để phát triển 3 dự án tại đây. Cụ thể là Vimedimex Group đã mua lại lô đất TM01 rộng gần 20.000 m2, nằm sát đường Võ Chí Công.Theo quy hoạch giai đoạn 3 của Khu đô thị Ciputra, khu đất này có chức năng thương mại - dịch vụ, văn phòng, khách sạn cao cấp…với mật độ xây dựng khoảng 37,2% và cao tối đa 31 tầng. Các căn hộ officetel cũng đã được quảng cáo rầm rộ trên mạng internet.
Ngoài ra, Vimedimex Group còn đặt cọc để mua các lô đất ký hiệu CT05, CT06 có tổng diện tích 59.629 m2 nằm gần lô TM01. Trong khi đó, một công ty liên quan đến Vimedimex là Công ty bất động sản Thanh Trì đặt cọc mua lại lô đất BT05 tại Ciputra với quy hoạch là 81 căn nhà ở thấp tầng trên diện tích gần 14.000 m2.
Không chỉ ở Ciputra mà trước đó khi có những bước đi đầu tiên vào ngành bất động sản với việc ra mắt thương hiệu Vimefulland của tập đoàn này hồi cuối 2016, thì tập đoàn này đến nay cũng đã sở hữu nhiều dự án đất vàng tại Hà Nội.
Vào cuối 2016 đầu 2017, Vimedimex đã nắm trong tay hàng loạt dự án lớn, nhỏ trải khắp tại Hà Nội gồm: Dự án Belleville Hà Nội tại quận Cầu Giấy với diện tích 1,57ha; Dự án Emerald Center Park tại quận Nam Từ Liêm với diện tích 1,9ha; Dự án The Eden Rose tại huyện Thanh Trì với diện tích 8ha; Dự án Bel Air Hà Nội tại quận Nam Từ Liêm với diện tích 2,5ha; Dự án Palatium Mari Resort tại Đà Nẵng với diện tích 177,2ha; Dự án Annecy Garden quận Hoàng Mai với diện tích 25ha; Dự án The Grand Sevilla tại quận Hai Bà Trưng với diện tích 54,5ha; Dự án Torre Agbar Parkview tại quận Hoàng Mai với diện tích 1,68ha.
Hầu hết là những dự án do Vimedimex mua lại hoặc liên doanh, liên kết hợp tác đầu tư. Đơn cư như khu nhà thấp tầng Belleville Hà Nội do Công ty Bắc Từ Liêm liên doanh với Công ty cổ phần đầu tư xây dựng phát triển nhà số 7 Hà Nội phát triển; Hay chung cư The Emerald Emerald do Công ty BĐS Mỹ Đình (công ty con Vimedimex) hợp tác với Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng phát triển nhà Hà Nội để phát triển
Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Nhuệ Giang (công ty con Vimedimex) thực hiện dự án Iris Garden; Công ty Thanh Xuân Bắc liên quan Vimedimex và Công ty cổ phần đầu tư xây dựng phát triển nhà số 7 Hà Nội triển khai dự án Athena Fulland; Hay một công ty khác liên quan đến Vimedimex là Công ty ĐTPT Hạ tầng và Đô thị Vĩnh Hưng đang thực hiện dự án tại Quận Hoàng Mai và Hai Bà Trưng…
Theo giới thiệu của Vimedimex Group, thì sau 2 năm triển khai các dự án BĐS trên địa bàn Hà Nội họ đã cung cấp ra thị trường 5044 căn hộ chung cư và 968 căn biệt thự, mang về doanh thu 10.577 tỷ đồng.
Theo báo The Leader, trong giai đoạn 2014 đến 2016, nhiều dự án Vimedimex được thế chấp tại VietA Bank khiến quy mô tài sản cầm cố, thế chấp bằng bất động sản của ngân hàng này tăng gấp đôi từ hơn 13.000 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện Vimedimex Group có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng. Sau nhiều lần thay đổi về cơ cấu sở hữu thì bà Nguyễn Thị Loan – bà chủ của Vimedimex không còn sở hữu cổ phần tại Vimdimex Group.
(Trí thức trẻ)