Ngày 8.12, kỳ họp thứ 17 HĐND TP.HCM khóa IX tiếp tục làm việc với phiên thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội, thu ngân sách và đầu tư công. Tại kỳ họp, nhiều đại biểu quan tâm và đặt câu hỏi cho Sở Xây dựng TP.HCM về tình hình vi phạm trật tự xây dựng và quản lý nhà chung cư.
TP.HCM chưa có “nhạc trưởng” quản lý chung cư
Theo đại biểu Tăng Hữu Phong, hiện này vấn đề cử tri và người dân rất quan tâm là việc quản lý các chung cư mới xây dựng, nhất là những tranh chấp giữa người dân và chủ đầu tư. Vấn đề này, Thường trực HĐND TP.HCM đã có hội nghị giải trình nhưng đến giờ vẫn chưa được giải quyết một cách thấu đáo. Do đó, lãnh đạo TP.HCM cần dành sự quan tâm thỏa đáng và có giải pháp mang tính chung nhất, có một “nhạc trưởng” để giải quyết vấn đề giữa chủ đầu tư, ngân hàng, cơ quan quản lý nhà nước và người dân.
Trả lời vấn đề này, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Lê Hòa Bình thông tin, trong quản lý chung cư, Sở đã tăng cường thực hiện, có nhiều việc làm được, nhưng cũng phải nhìn nhận là có nhiều việc chưa được như ý. Đến nay, vẫn chưa có “nhạc trưởng” quản lý chung cư.
Mới đây, Bộ Xây dựng đã ban hành thông tư 06/2019/TT-BXD sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư liên quan đến quản lý, sử dụng nhà chung cư thay thế thông tư 02 về hướng dẫn quản lý vận hành nhà chung cư. Trong Thông tư 06 có nhiều điểm mới, Sở sẽ thực hiện một số bước để tìm cách quản lý được các nhà chung cư, tránh khiếu nại, khiếu kiện nhiều hơn.
Trong đó, giải pháp cụ thể là tính đến mô hình 3 chân với cư dân là trung; chịu trách nhiệm chính là ban quản trị chung cư; và, chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm suốt vòng đời chung cư, nếu chất lượng công trình có vấn đề thì phải xuất hiện: Chính quyền địa phương quản lý. Đây là nhiệm vụ trọng tâm năm 2020 Sở Xây dựng TP.HCM thực hiện, để quản lý tốt chung cư.
Tăng cường xử lý vi phạm trật tự xây dựng
Đại biểu Nguyễn Trọng Trí (quận 8) cũng băn khoăn về tình hình xây dựng sai phép, không phép gia tăng là do công tác quản lý không nghiêm nên đã xảy ra tình trạng người dân tự phân lô bán nền. Hiện tại, việc xử lý các công trình xây dựng không phép, trái phép rất khó, vì vậy các cơ quan tham mưu cần có giải pháp tổng thể về vấn đề này.
Về vi phạm trật tự xây dựng, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho hay, từ đầu năm đến nay phát hiện 2.796 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, tăng 219 vụ so với năm 2018. Tính từ khi Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM ban hành Chỉ thị 23 (gần 6 tháng qua), tỷ lệ vi phạm trật tự xây dựng giảm 46%. Trong số các vụ vi phạm, có gần 35% sai phép; 42% xây dựng không phép và 23% là các vi phạm khác (các công trình không che chắn khi thi công, ô nhiễm môi trường, rơi vãi vật tư xây dựng).
Ông Bình cho biết, trong gần 35% vụ sai phép, nếu hướng dẫn người dân đi điều chỉnh giấy phép thì rất nhiều trường hợp sẽ được điều chỉnh, không cần phải rút giấy phép. Và có nhiều trường hợp xây dựng nhỏ hơn so với giấy phép xây dựng thì sẽ không phải điều chỉnh giấy phép xây dựng.
Trong chế tài các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, sở không chỉ chế tài chủ đầu tư mà sẽ kiểm tra, xử lý luôn cả tư vấn thiết kế, giám sát, nhà thầu… Nếu tái phạm nhiều lần thì tước giấy phép, chứng chỉ hành nghề của cá nhân, tổ chức. Đồng thời, tiếp tục cải cách hành chính, tạo thuận lợi người dân làm thủ tục về xây dựng, cấp chứng chỉ hành nghề nhanh hơn.
Về giải pháp cụ thể, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Nguyễn Bá Thành cho biết, sắp tới Sở giao cho lực lượng Thanh tra xây dựng thuộc các quận, huyện quản lý để xuyên suốt tại địa phương từ cấp phép đến quản lý xây dựng. Sở cũng đã tham mưu cho UBND TP.HCM về việc xây dựng các công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp trên đất nông nghiệp để hạn chế các công trình trái phép.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến cũng cho rằng người dân không thể tự xây dựng được. Vì vậy, khi xét trách nhiệm, bên cạnh quy trách nhiệm chủ đầu tư tức là người dân thì cũng cần quy trách nhiệm của đơn vị thi công là thầu xây dựng. Một công trình khi thi công phải có giấy phép xây dựng. Vì thế, đơn vị thi công sẽ biết công trình nào sai phép, trái phép để không tham gia thực hiện.
Cạnh đó, cần có biện pháp xử lý, kiểm soát, đối tượng lợi dụng cho tách thửa, thu mua thực hiện dự án không có hạ tầng về điện, nước, giao thông… rồi bán cho người có thu nhập thấp. Cuối cùng nạn nhân vẫn là người dân khi bị xử phạt, bị cưỡng chế.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, thành phố đã có chỉ đạo những nơi xảy ra sai phạm về trật tự xây dựng sẽ tập trung chấn chỉnh trong thời gian tới. Thời gian qua, TP.HCM đã kiểm tra tại một số quận, huyện và phát hiện nhiều sai phạm. Sắp tới, UBND TP.HCM sẽ quyết liệt thực hiện chỉ thị số 23 của Thành ủy về quản lý trật tự xây dựng.
Phan Diệu