Sở Tư pháp TP.HCM đã yêu cầu các văn phòng thừa phát lại trên địa bàn không được phép lập vi bằng mua bán nhà đất. Quyết định này được đưa ra trước thực trạng nhiều người dân mua bán nhà đất không giấy tờ thông qua việc thừa phát lại lập vi bằng tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Theo luật sư Hoàng Thu, Giám đốc Công ty luật Hoàng Thu, quy định của luật Nhà ở, luật Đất đai yêu cầu việc mua bán, chuyển nhượng nhà đất phải được lập thành hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất. Các hợp đồng này phải được công chứng, chứng thực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Sau khi chứng thực, hợp đồng sẽ được đăng ký trước bạ, sang tên (đăng ký biến động) cho bên mua tại các chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai đặt tại các quận, huyện.
Còn vi bằng là văn bản được lập bởi thừa phát lại, ghi nhận các sự kiện, hành vi mà thừa phát lại trực tiếp chứng kiến. Vi bằng sẽ được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác. Tuy nhiên, giá trị của vi bằng cũng chỉ được xác nhận khi đã thực hiện thủ tục đăng ký tại Sở Tư pháp theo quy định.
Như vậy, vi bằng chỉ có giá trị ghi nhận những sự kiện, hành vi mà thừa phát lại trực tiếp chứng kiến. Đối với giao dịch mua bán nhà đất, vi bằng chỉ ghi nhận hành vi, sự kiện giao nhận tiền, giao nhận giấy tờ, nhà đất giữa các bên chứ không có giá trị thay thế hợp đồng công chứng, chứng thực. Nghĩa là vi bằng không phải là cơ sở để thực hiện sang tên đổi chủ cho bên mua.
Điều 25 Nghị định số 135 của Chính phủ có quy định thừa phát lại được phép lập vi bằng các sự kiện, hành vi xảy ra trên địa bàn nơi đặt văn phòng thừa phát lại. Chẳng hạn vi bằng ghi nhận một số trường hợp như: "xác nhận tình trạng nhà liền kề trước khi xây dựng công trình; xác nhận tình trạng nhà trước khi cho thuê nhà; xác nhận tình trạng nhà khi mua nhà; xác nhận tình trạng nhà, đất bị lấn chiếm; xác nhận việc chiếm giữ nhà, trụ sở, tài sản khác trái pháp luật..."
Căn cứ vào Nghị định số 135 nêu trên thì Sở Tư pháp có quyền từ chối vi bằng do văn phòng thừa phát lại lập. Khi bị từ chối, vi bằng sẽ không có giá trị chứng cứ để tòa án xem xét trong quá trình giải quyết vụ án, cũng không được xem là căn cứ để thực hiện các giao dịch hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Bà Phan Thị Bình Thuận, PGĐ Sở Tư pháp TP.HCM, cho biết thực tế lâu nay trong các giao dịch mua bán nhà đất, người dân vẫn có thể mua bán bằng giấy tờ tay mà không cần vi bằng, công chứng. Tuy nhiên, các đối tượng bán nhà đất vẫn dùng hình thức lập vi bằng khi giao nhận tiền nhằm tạo lòng tin cho người mua, tạo sự nhầm tưởng rằng mua bán bằng vi bằng vẫn có giá trị như công chứng.
Bà Thuận cho biết, Sở Tư pháp thành phố đã nhiều lần làm việc trực tiếp với trưởng các văn phòng thừa phát lại, gửi nhiều công văn đến các văn phòng thừa phát lại trên địa bàn yêu cầu không được lập vi bằng việc mua, bán nhà đất thông qua hình thức ghi nhận việc giao nhận nền, lập vi bằng ghi nhận việc giao nhận tiền để che giấu mục đích không phù hợp với quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, Sở cũng cấm các văn phòng thừa phát lại lập vi bằng xác nhận sự kiện, hành vi liên quan đến đất đai, tài sản không có giấy chứng nhận quyền sử dụng, quyền sở hữu theo quy định của pháp luật nhằm chuyển quyền sử dụng và quyền sở hữu cho người khác. Đối với các trường hợp lập vi bằng đúng luật, văn phòng thừa phát lại cũng phải giải thích rõ, đầy đủ về giá trị pháp lý của vi bằng do thừa phát lại lập để người yêu cầu lập vi bằng nắm rõ, không để người yêu cầu lập vi bằng nhầm tưởng vi bằng có giá trị như hợp đồng công chứng.
(Thanh Niên)