(HNM) - Trong bối cảnh ô nhiễm không khí, nguồn nước ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, cuộc sống của người dân, các chuyên gia cho rằng, việc thúc đẩy phát triển các công trình xanh là giải pháp hiệu quả giảm thiểu sự tác động đến môi trường. Theo đó, việc xây dựng căn hộ cho người dân phải đi kèm với trách nhiệm bảo đảm môi trường sống.
Nỗi lo chất lượng môi trường sống
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) cho biết, thời gian gần đây, môi trường đang là vấn đề "nóng", trong đó bức xúc lớn nhất liên quan đến ô nhiễm đất, nước, không khí.
Theo ông Hoàng Dũng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn và Tích hợp công nghệ D&L (đơn vị sở hữu Pam air - một ứng dụng theo dõi chất lượng không khí), ô nhiễm nguồn nước hay không khí ở Việt Nam không phải là vấn đề mới. Thực trạng này tồn tại đã lâu, nhưng thời gian gần đây có nhiều sự vụ nổi lên, gây lo lắng cho người dân. “Việt Nam có nhiều luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kiểm soát chất lượng nước, không khí... Song, trên thực tế chưa được tuân thủ. Đơn cử như đi trên đường có thể thấy nhiều xe buýt xả khói gây ô nhiễm. Về quy định pháp luật, các xe đó đăng kiểm là được lưu thông, nhưng không có chế tài gì để phạt, cấm” - ông Hoàng Dũng cho biết.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Kiến trúc sư Hoàng Mạnh Nguyên, Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu và Phát triển đô thị xanh cho rằng, phát triển công trình xanh là giải pháp bền vững trong việc giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng sống. “Công trình xanh là công trình xây dựng mà trong cả vòng đời, từ giai đoạn lựa chọn địa điểm xây dựng, thiết kế, thi công, sử dụng, vận hành... đều đạt hiệu quả cao trong sử dụng năng lượng, tài nguyên nước, vật liệu. Thêm vào đó, công trình sản sinh ra chất thải làm ô nhiễm môi trường ít nhất và tạo điều kiện sống tốt nhất cho người sử dụng” - Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Kiến trúc sư Hoàng Mạnh Nguyên chia sẻ khái niệm về công trình xanh; đồng thời cho rằng, các doanh nghiệp nên nhận thức rõ và tham gia nhiều hơn vào việc phát triển công trình xanh, xây dựng căn hộ cho người dân phải đi kèm với trách nhiệm bảo vệ môi trường sống.
Doanh nghiệp đã nhập cuộc
Theo Thạc sĩ, Kiến trúc sư Nguyễn Huy Khanh, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Tư vấn xây dựng Việt Nam (Bộ Xây dựng), hai năm trở lại đây, đã có nhiều doanh nghiệp đầu tư bất động sản sẵn sàng đầu tư kinh phí để phủ xanh dự án của mình. Việc đưa kiến trúc xanh vào dự án đã trở thành xu thế của rất nhiều nhà đầu tư.
Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cho biết, giữa năm 2017, VNREA đã phát động chương trình "Vận động phát triển công trình xanh Việt Nam" trong 5 năm. Mục tiêu là nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, người dân... Đến nay, đã có nhiều doanh nghiệp bất động sản nhập cuộc, chủ động trong phát triển xanh. Trong đó, Tập đoàn Đầu tư và Thương mại Thủ Đô (Capital House) là một trong những đơn vị tiên phong phát triển xanh về nhà ở, dịch vụ văn phòng, trường học.
Chia sẻ công tác phát triển công trình xanh, ông Trịnh Tùng Bách, Giám đốc Ban Nghiên cứu và Phát triển, Tập đoàn Capital House cho hay, công trình xanh ngày càng có ý nghĩa trong việc bảo đảm, nâng cao chất lượng sống của người dân. Do đó, đơn vị luôn cố gắng phủ xanh tối đa dự án của mình. Cùng với hành trình “Kiến tạo cuộc sống xanh”, Tập đoàn cũng đặc biệt chú trọng đến việc bảo đảm chất lượng nguồn nước sinh hoạt cho cư dân tại các dự án khu đô thị, nhà ở. Cụ thể, tại tòa tháp xanh EcoLife Capitol (số 58 Tố Hữu, quận Nam Từ Liêm) - một trong số các dự án công trình xanh tiêu biểu của Capital House, Tập đoàn đã trang bị hệ thống lọc nước sử dụng màng siêu lọc UF ngay từ khi xây dựng dự án. Nguồn nước cấp từ nhà máy khi tới dự án được xử lý bởi bộ lọc áp lực chứa than hoạt tính, có tác dụng hấp thụ hóa chất như Styren trong nước.
Bà Nguyễn Thị Thanh (P1703A1), tòa nhà EcoLife Capitol cho hay: "Tôi rất ưng ý khi sống tại đây vì căn hộ được bố trí các khoảng cách, tỷ lệ kiến trúc rất hợp lý để thu ánh nắng mặt trời, gió vào hầu hết căn hộ. Tòa nhà còn được trang bị hệ thống lọc nước RO và nước cấp cho các hộ gia đình là nước tinh khiết, có thể uống ngay tại vòi. Do vậy, trong thời gian xảy ra sự cố nước sạch sông Đà, gia đình tôi vẫn rất yên tâm khi sử dụng nước ở đây".
Công trình xanh được các chuyên gia nhận định là xu hướng tất yếu, tuy nhiên theo ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch VNREA, trở ngại hiện nay là phần lớn chủ đầu tư, người mua nhà còn nhận thức rất mơ hồ về vấn đề này. Hiện công trình xanh tại Việt Nam mới chỉ quan tâm tới vấn đề quy hoạch, kiến trúc, chưa quan tâm đến thiết bị xanh trong tòa nhà, trong công trình, dự án bất động sản.
Để thúc đẩy phát triển công trình xanh, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An cho rằng, cần có giải pháp đồng bộ từ chính sách, quy hoạch đến nhận thức của doanh nghiệp và cả người dân. Bản thân chủ doanh nghiệp phải nhận thức được vai trò của công trình xanh, có trách nhiệm xã hội, tạo căn hộ cho người dân phải bảo đảm môi trường sống cho họ.
Về định hướng phát triển công trình xanh tại Việt Nam, ông Nguyễn Công Thịnh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) cho biết, Bộ Xây dựng đã triển khai được một phần rất lớn về phát triển công trình xanh như xây dựng bộ tiêu chuẩn tiết kiệm năng lượng trong xây dựng. Bộ cũng đang giao nhiệm vụ cho các đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển loại hình này để trình cấp thẩm quyền ban hành.