Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo về định hướng phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trong thời gian tới.
Theo đó, giai đoạn 2021 - 2025, đối với hệ thống đường vành đai, Hà Nội định hướng sẽ hoàn thành đầu tư đồng bộ mặt cắt theo quy hoạch đối với các đoạn tuyến còn lại của đường Vành đai 3.
Cũng trong giai đoạn này, TP Hà Nội sẽ triển khai thi công và cơ bản hoàn thành đường Vành đai 4 và tiến hành khởi công một số đoạn tuyến của đường Vành đai 5 trên địa bàn; đồng thời cơ bản hoàn thành mạng lưới đường trên cao trong khu vực đô thị trung tâm.
Đối với hệ thống đường hướng tâm, TP Hà Nội sẽ hoàn thành toàn bộ các đoạn tuyến trong Vành đai 4 đổi với các tuyến như: QL1A (phía Nam, phía Bắc); Trục Hồ Tây - Ba Vì; QL6; Tây Thăng Long; QL3...
Về đường sắt đô thị, Hà Nội dự kiến sẽ hoàn thành xong công tác chuẩn bị đầu tư và tổ chức triến khai thi công các đoạn tuyến của các tuyến đường sắt đô thị nằm trong khu vực đô thị trung tâm. Triển khai công tác chuẩn bị đầu tư đối với các tuyến đường sắt đô thị kết nối khu vực đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh.
Trước đó, Hà Nội cũng đã đầu tư đường Vành đai 3 Hà Nội (ký hiệu toàn tuyến là CT.20), là tuyến giao thông đường bộ quan trọng của thủ đô Hà Nội, dài khoảng 65 km, đi qua các quận và huyện Đông Anh, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Thanh Trì, Hoàng Mai, Long Biên, Gia Lâm.
Theo quy hoạch cho giai đoạn I, đoạn Nội Bài - Mai Dịch - Thanh Xuân - Pháp Vân - cầu Thanh Trì cấu thành bởi đường đô thị hai bên kết hợp với đường cao tốc đô thị ở giữa.
Trong giai đoạn II, sẽ làm 8.912m gồm 385m đường và 8.527m cầu cạn chính tuyến, gồm 4 làn cao tốc, 2 làn dừng khẩn cấp.
Hiện đường cao tốc trên cao đoạn từ phía Nam cầu Thanh Trì đến cuối đường Phạm Văn Đồng (cạnh Trường Đại học Quốc gia Hà Nội) đã hoàn thành và trong giai đoạn 2016 - 2020 sẽ làm tiếp 5,2 km đường cao tốc trên cao đoạn từ Mai Dịch đến cầu Thăng Long.
(CafeLand)