Cụ thể, TTXVN dẫn quy định của Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH 13 ngày 25.5.2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, thành phố trực thuộc Trung ương phải có tỷ lệ số quận trên tổng số đơn vị hành chính cấp huyện đạt từ 60% trở lên.
Như vậy, TP.Hà Nội sẽ có từ 18 quận trở lên trong khi hiện mới có 12 quận và 1 thị xã/30 đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc, đạt 43% đơn vị hành chính đô thị.
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.Hà Nội nhiệm kỳ 2015-2020 đã xác định rõ, trong nhiệm kỳ tới phải làm tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch; xây dựng, quản lý, phát triển đô thị. Theo đó:
Huyện Đông Anh sẽ được Hà Nội đầu tư phát triển theo hướng bền vững, trở thành quận hiện đại. Điểm nhấn là các đô thị thông minh, khu công viên phần mềm, trung tâm mua sắm cao cấp, khu vui chơi giải trí, khu dịch vụ cao cấp về chăm sóc sức khỏe, trung tâm sáng tạo phục vụ nghiên cứu và phát triển; gìn giữ và phát huy bản sắc, giá trị của miền quê giàu truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời; kết nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của các khu đô thị mới với hạ tầng nông thôn hiện nay.
Huyện Thanh Trì tập trung phát triển kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng mạnh thương mại dịch vụ, phát triển đô thị, đầu tư hạ tầng kỹ thuật - xã hội và xây dựng nông thôn mới theo hướng đồng bộ, từng bước hiện đại; huy động, thu hút và sử dụng hiệu quả tiềm năng, nguồn lực cho đầu tư phát triển, tích cực cải thiện, nâng chất lượng môi trường.
Đời sống văn hóa mới được xây dựng, duy trì và phát huy hiệu quả văn hoá truyền thống. Giáo dục - đào tạo được đổi mới và phát triển, từng bước nâng chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển, đảm bảo an sinh xã hội, không ngừng cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của nhân dân. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, tăng cường công tác quốc phòng, quân sự địa phương. Mục tiêu là đến năm 2025, huyện phát triển theo hướng đô thị.
Huyện Gia Lâm thì tập trung phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng thương mại, dịch vụ - công nghiệp, xây dựng; đẩy mạnh huy động các nguồn vốn cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khung theo hướng đô thị. Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế được quan tâm, đầu tư phát triển; củng cố, sắp xếp bộ máy, nâng hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, chậm nhất vào năm 2022 huyện Gia Lâm và các xã, thị trấn thuộc huyện đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn của quận, phường theo quy định.
Đối với huyện Đan Phượng, TP.Hà Nội đầu tư phát triển kinh tế, huy động nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng theo hướng đô thị, quan tâm đầu tư phát triển lĩnh vực văn hoá, giáo dục, y tế, hoàn thiện tiêu chí về phát triển kinh tế - xã hội và hệ thống cơ sở hạ tầng.Mục tiêu đặt ra là đến năm 2025, huyện này và các xã, thị trấn thuộc huyện đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn của quận, phường theo quy định.
Dự kiến trong tương lai, Đan Phượng trở thành quận hiện đại, điểm nhấn là các đô thị cao cấp, khu đô thị sinh thái, trung tâm mua sắm cao cấp, khu vui chơi giải trí, khu dịch vụ cao cấp về chăm sóc sức khỏe; gìn giữ và phát huy bản sắc, giá trị của miền quê giàu truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời; kết nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của các khu đô thị mới với hạ tầng nông thôn hiện nay.
TP.Hà Nội sẽ chỉ đạo sở, ban, ngành tập trung, ưu tiên 4 huyện này về thủ tục, cơ chế chính sách thông thoáng, các huyện năng động, sáng tạo và chủ động hơn không trông chờ, ỷ lại nhiều vào thành phố, theo TTXVN.
T.L