(HNM) - Thành phố Hà Nội đặt mục tiêu cơ bản hoàn thành việc giao đất dịch vụ trong tháng 6-2019, thế nhưng tính đến ngày 31-8 tỷ lệ giao đất mới đạt 73,41%. Trong đó, một số quận, huyện như: Hà Đông, Hoài Đức, Mê Linh... vẫn chưa giải quyết dứt điểm vướng mắc, ảnh hưởng đến kế hoạch chung của thành phố. Để thúc đẩy tiến độ giao đất dịch vụ, thành phố đã chỉ đạo các địa phương triển khai nhiều giải pháp, báo cáo ngay khó khăn trong quá trình thực hiện để kịp thời xem xét, giải quyết.
Vướng chính sách cho diện đặc thù
Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, tổng nhu cầu đất dịch vụ của thành phố là 725,87ha, giao cho 64.068 hộ gia đình. Tính đến ngày 31-8-2019, thành phố đã giao đất dịch vụ đến 46.890 hộ, đạt 73,41%. Các quận, huyện, thị xã đạt kết quả từ 80% trở lên là: Sóc Sơn, Ứng Hòa, Thường Tín, Sơn Tây, Thanh Trì, Quốc Oai, Đan Phượng, Hoàng Mai, Phúc Thọ, Hoài Đức, Gia Lâm, Thanh Oai, Bắc Từ Liêm (đã hoàn thành việc bốc thăm, dự kiến bàn giao đất dịch vụ xong trước ngày 31-12-2019).
Tuy nhiên, một số địa phương chưa giải quyết dứt điểm các vướng mắc từ thực tế, ảnh hưởng đến mục tiêu, tiến độ chung của thành phố. Trong đó, quận Hà Đông, huyện Hoài Đức, Mê Linh còn 12.972 hộ chưa được giao đất, chiếm 20,3% tổng số hộ được hưởng đất dịch vụ của thành phố. Vậy, vì sao có tình trạng này?
Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Hoài Đức Phạm Gia Lộc cho biết: Nguyên nhân khiến tiến độ giao đất dịch vụ của huyện chậm chủ yếu liên quan đến cơ chế. Cụ thể, toàn huyện có 1.308 hộ gia đình bị thu hồi đất vượt 1.500m2, với tổng diện tích vượt hạn mức là 654.084m2, nhưng chỉ được giao đất dịch vụ tối đa theo hạn mức 150m2/hộ. Bởi theo quy định, hộ có đất nông nghiệp bị thu hồi được hưởng chính sách giao đất dịch vụ bằng 10%, nhưng tối đa không quá 150m2/hộ.
Về vấn đề này, ông Lý Văn Kiêm ở thôn 3, xã Lại Yên (huyện Hoài Đức) phản ánh: "Thời điểm Nhà nước thu hồi đất để triển khai các dự án, gia đình tôi có 3 thế hệ cùng sinh sống, chia tách thành 2 hộ, nhưng vẫn cùng sử dụng đất nông nghiệp. Đến nay, thế hệ thứ ba là các con của tôi đã lập gia đình. Chúng tôi rất mong được Nhà nước xem xét, cho hưởng đất dịch vụ đối với diện tích thu hồi vượt gần 1.000m2".
Cũng vì những nguyên nhân liên quan đến cơ chế, chính sách nên huyện Mê Linh có tỷ lệ giao đất dịch vụ đạt thấp nhất thành phố (24,79%), còn 2.184 hộ chưa được giao đất.
Riêng tại quận Hà Đông, nơi còn 8.435 hộ chưa được giao đất dịch vụ, chiếm tỷ lệ 13,2%, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận Hà Đông Nguyễn Minh Trường cho biết: Từ tháng 7-2018, Thanh tra thành phố tiến hành rà soát, hệ thống lại cơ sở pháp lý trong việc thực hiện công tác giao đất dịch vụ của quận, nên việc giao đất đang tạm dừng để chờ chỉ đạo.
Bên cạnh đó, một số hộ được hưởng đất dịch vụ nhỏ lẻ phải ghép thửa, nhưng đã chuyển nhượng nên việc ghép thửa gặp khó khăn; tiến độ giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng các khu đất dịch vụ chậm cũng làm cho tỷ lệ giao đất dịch vụ của các huyện Thanh Oai, Thạch Thất, Ba Vì... đạt thấp.
Đề ra nhiều giải pháp
Để giải quyết dứt điểm khó khăn, vướng mắc, phấn đấu hoàn thành việc giao đất dịch vụ trong năm 2019, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Quang Đức cho biết, huyện đang đề nghị UBND thành phố chấp thuận chính sách giao đất dịch vụ cho các hộ gia đình bị thu hồi đất vượt hạn mức nhưng có nhiều thế hệ cùng sinh sống, đã có gia đình riêng. Còn theo Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông Cấn Thị Việt Hà, quận đang đề xuất thành phố cho phép tiếp tục thực hiện các đề án giao đất dịch vụ đã được phê duyệt, bảo đảm công khai, minh bạch, phù hợp thực tế, góp phần ổn định đời sống người dân trên địa bàn.
Về những kiến nghị của các địa phương liên quan đến công tác giao đất dịch vụ, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Trọng Đông cho biết: Sở đã tổng hợp, báo cáo UBND thành phố xem xét, báo cáo Thường trực Thành ủy để xin ý kiến chỉ đạo giải quyết vướng mắc... Ngoài ra, Sở đề nghị các địa phương liên quan khẩn trương giao ngay đất dịch vụ cho các hộ đủ điều kiện, đối với toàn bộ diện tích đã hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật (hơn 110ha); đồng thời tập trung tổng hợp, đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật, giới thiệu địa điểm, lập quy hoạch chi tiết đối với diện tích đất còn lại... UBND cấp huyện chịu trách nhiệm về kết quả, tiến độ trước Thành ủy, UBND thành phố đối với việc không hoàn thành công tác giao đất dịch vụ theo kế hoạch.
Cũng trong văn bản mới nhất đôn đốc các địa phương, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị tiếp tục thực hiện nghiêm Văn bản số 2059/UBND-KT (ngày 17-5-2019) của UBND thành phố, chỉ đạo tháo gỡ các vướng mắc. Cụ thể, Chủ tịch UBND thành phố đã ủy quyền Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã phê duyệt các thủ tục đầu tư dự án giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật đất dịch vụ không phân biệt quy mô, để đẩy nhanh tiến độ triển khai. Trường hợp có khó khăn, vướng mắc về áp dụng chính sách giao đất dịch vụ, UBND cấp huyện kịp thời báo cáo, đề xuất UBND thành phố xem xét, giải quyết.
UBND thành phố cũng yêu cầu Sở Tài chính Hà Nội phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Quỹ Đầu tư phát triển thành phố cân đối nguồn ứng vốn cho các dự án giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng dịch vụ; Quỹ Đầu tư phát triển thành phố thực hiện giải ngân vốn ứng bảo đảm đúng mục đích, đúng quy định...
Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, ở thời điểm hiện tại, ngành chức năng và các địa phương đang tập trung đẩy nhanh tiến độ để sớm hoàn thành công tác giao đất dịch vụ đến hộ dân, góp phần ổn định đời sống nhân dân.
Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, đến nay, toàn thành phố đã có hơn 110ha đất dịch vụ đã xây dựng hạ tầng nhưng chưa tổ chức giao đất cho các hộ; 61,23ha đất đã được giải phóng mặt bằng, chưa xây dựng hạ tầng; 38,36ha đất đang giải phóng mặt bằng và 21,63ha đất đã giới thiệu địa điểm, đang triển khai lập dự án.