(HNM) - Với sự dịch chuyển của chuỗi sản xuất toàn cầu, nhu cầu đối với bất động sản công nghiệp Việt Nam được ghi nhận đang trong thời kỳ tăng trưởng, được đánh giá là phân khúc hấp dẫn nhất trong năm 2019. Dự báo về dài hạn, bất động sản công nghiệp Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển.
Điểm đến hấp dẫn
Tập đoàn Quản lý đầu tư và dịch vụ bất động sản quốc tế Jones Lang LaSalle (JLL) Việt Nam vừa công bố báo cáo thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam. Theo đó, nhu cầu đối với bất động sản công nghiệp Việt Nam được ghi nhận đang trong chu kỳ tăng trưởng. Trong đó, vùng kinh tế trọng điểm miền Bắc vẫn là điểm đến hấp dẫn cho hoạt động sản xuất.
Ghi nhận ở các khu công nghiệp hoạt động tại 5 tỉnh, thành phố năng động nhất vùng là Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, đến quý III-2019 cho thấy, tỷ lệ lấp đầy trung bình đạt 69%, tăng 200% so với quý I-2019. Trong đó, tỷ lệ cao nhất thuộc về Hà Nội và Hưng Yên.
Ông Takeichi Omata, Tổng Giám đốc Khu công nghiệp Thăng Long (Hà Nội) cho hay, khu công nghiệp này đã thu hút 31 nhà đầu tư, hầu hết đến từ Nhật Bản; ngoài ra là Malaysia, Singapore. Các công ty đầu tư tại Khu công nghiệp Thăng Long đã tạo ra 8.000 việc làm, phần lớn là các ngành: Điện tử, lắp ráp điện tử, sản xuất linh kiện ô tô và xe máy. Trong thời gian tới, khi hoàn tất các giai đoạn xây dựng, khu công nghiệp sẽ tạo được 30.000 việc làm.
Theo bà Nguyễn Thị Vân Khanh, Giám đốc cấp cao thị trường vốn JLL Việt Nam, nhu cầu bất động sản công nghiệp gia tăng hiện nay đến từ các nhà sản xuất muốn rời khỏi Trung Quốc. Đây là những doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề từ căng thẳng thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc kéo dài. Ngoài ra là các doanh nghiệp có nhu cầu đa dạng hóa danh mục sản xuất.
Đến cuối quý III-2019, tổng diện tích đất công nghiệp cho thuê tại miền Bắc đạt 9.371ha và nguồn cung mới tiếp tục gia tăng. Trong đó, Bắc Ninh và Hải Phòng là hai thị trường bất động sản công nghiệp hàng đầu vẫn còn đất trống để chào đón nhà đầu tư.
Theo số liệu từ Tập đoàn Đầu tư và dịch vụ bất động sản thương mại (CBRE) Việt Nam, thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ. Tỷ lệ lấp đầy bất động sản công nghiệp đạt rất cao. Trong đó, tại miền Bắc, tỷ lệ lấp đầy đối với đất công nghiệp đạt 85,7%, nhà xưởng xây sẵn đạt 91,1%. Tại miền Nam, tỷ lệ tương ứng là 90% và 80%. Cùng với đó, giá thuê bất động sản công nghiệp cũng ghi nhận sự tăng trưởng mạnh. Hiện, giá thuê đất công nghiệp tại miền Bắc là 88,2 USD/m2/chu kỳ thuê, nhà xưởng xây sẵn là 4,8 USD/m2/tháng. Ở miền Nam, con số này lần lượt là 132 USD/m2 và 4,5 USD/m2. Mức giá này đã tăng khoảng 30-40% so với 2-3 năm trước đó.
Tiếp tục đón nhận sự “di cư” mạnh hơn
Bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc bộ phận nghiên cứu, tư vấn phát triển và thẩm định giá của CBRE Việt Nam tại Hà Nội cho biết, 3 động lực tăng trưởng chính thúc đẩy thị trường bất động sản khu công nghiệp là sự phát triển hệ thống hạ tầng; các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới như: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA).
Trong đó, đặc biệt là sự chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc do ảnh hưởng của căng thẳng thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc đang thúc đẩy hàng loạt doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung ứng linh kiện, điện tử mở rộng quy mô sản xuất tại Việt Nam.
Theo ghi nhận của JLL Việt Nam, trong các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư mạnh vào thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam, đứng đầu là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore. Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho rằng, sức hấp dẫn của bất động sản công nghiệp Việt Nam cao hơn mức trung bình của khu vực và tiếp tục được thúc đẩy bởi các yếu tố như chi phí lao động thấp, giá thuê đất hợp lý, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi...
Ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, bất động sản công nghiệp là phân khúc hấp dẫn nhất trong năm 2019. Cả trong ngắn - trung và dài hạn, đây sẽ trở thành phân khúc có đà phát triển rất tốt, nếu nhà đầu tư biết nắm bắt thời cơ và nhà nước có chính sách khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện cho thị trường phát triển tương xứng với tiềm năng sẵn có.
Về tương lai của phân khúc này, bà Nguyễn Thị Vân Khanh, Giám đốc cấp cao thị trường vốn JLL Việt Nam nhận định, thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục đón nhận sự “di cư” mạnh hơn của các doanh nghiệp sản xuất toàn cầu, bởi hoạt động dịch chuyển sản xuất thường mất nhiều thời gian (trung bình mất khoảng 12-18 tháng đối với các doanh nghiệp vừa và lớn). Các nhà đầu tư mới, phần lớn đến từ châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore sẽ vẫn quan tâm đến bất động sản công nghiệp Việt Nam.
Với làn sóng các nhà sản xuất chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, các khoản đầu tư sẽ tiếp tục đổ vào Việt Nam, đặc biệt là về 5 thành phố công nghiệp trọng điểm của miền Bắc.
Để tận dụng được hết những cơ hội phát triển, ông Trần Quốc Trung, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) khẳng định, nhà đầu tư phát triển các khu công nghiệp cần nghiên cứu, xây dựng và đa dạng hóa mô hình phát triển khu công nghiệp như sinh thái, liên kết ngành, hỗ trợ, chuyên sâu. Nhà nước cũng cần hoàn thiện quy định của pháp luật về mô hình khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ để phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, tạo môi trường sống, làm việc đẳng cấp cho chuyên gia, người lao động...