Trước nguy cơ bệnh nhân suy nội tạng, họ quyết định can thiệp ECMO – kỹ thuật sử dụng tuần hoàn cùng trao đổi oxy bên ngoài cơ thể nhằm hỗ trợ chức năng sống, tạo thời gian cho tim phổi nghỉ ngơi và hồi phục.
Sau 8 ngày thì thiết bị ECMO được rút đi, bệnh nhân đã có thể tự hít thở. Năm ngày sau ông ngồi dậy tự ăn uống, đến chiều 20.3 xuất viện.
Tình trạng thiếu thốn trang thiết bị cấp cứu như ECMO có thể là một trong những lý do khiến số người chết do COVID-19 tại Ý cao kỷ lục: gần 5.000 trường hợp trên tổng số hơn 53.000 ca nhiễm, tỷ lệ tử vong khoảng 8,5%. Trong khi đó, tỷ lệ tử vong ở Trung Quốc chỉ khoảng 4%, Đức thậm chí chỉ 0,3%.
87% số ca tử vong trên 70 tuổi. Trên truyền thông từng xuất hiện thông tin các bệnh viện Ý ưu tiên điều trị khẩn cấp cho bệnh nhân trẻ hơn.
Theo bác sĩ Trương Văn Hoằng thuộc Bệnh viện Hoa Sơn (Thượng Hải) – người có kinh nghiệm điều trị bệnh nhân COVID-19: “Tôi không nghĩ năng lực bác sĩ Ý không bằng bác sĩ Đức. Lý do là lượng bệnh nhân cần hồi sức tích cực tại Ý vượt quá số giường ICU có sẵn. Giường ICU ở Đức nhiều hơn số bệnh nhân. Còn trong điều trị ICU, tình trạng thiếu máy thở dẫn đến tỷ lệ tử vong cao”.
Số liệu mới nhất hiện có cho thấy Trung Quốc năm 2018 chỉ có 400 thiết bị ECMO, tuy nhiên lúc dịch bắt đầu bùng phát thì họ tìm cách gia tăng đáng kể. Tính đến đầu tháng 3 khoảng 65.000 trang thiết bị y tế (trong đó có 17.000 máy thở) được đưa đến tâm dịch Vũ Hán, hơn 40.000 y bác sĩ chi viện cho tỉnh Hồ Bắc đem theo trang bị của mình gồm máy thở lẫn thiết bị ECMO.
Tại Đức, chính quyền đặt hàng thêm 10.000 máy thở từ nhà cung cấp trong nước bổ sung cho 25.000 chiếc có sẵn.
Còn ở Ý, quân đội đang giúp đơn vị sản xuất máy thở duy nhất của nước này tăng sản lượng.
Dù ECMO đóng vai trò quan trọng trong việc cứu sống bệnh nhân nhưng các bác sĩ làm việc tại Hồ Bắc lưu ý rằng thiết bị còn đòi hỏi đội ngũ chuyên gia vận hành. Chẳng hạn cần đến 14 bác sĩ bệnh viện Bắc Kinh thao tác can thiệp ECMO cho một bệnh nhân, ngoài ra phải căn cứ từng trường hợp cụ thể mới sử dụng chứ không phải cứ là ca nặng là dùng đến.
Cẩm Bình (theo SCMP)