Ngày 26/7, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp nghe báo cáo, cho ý kiến về dự thảo Nghị định quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu.
Báo cáo tại Cuộc họp, đại diện Bộ Công Thương vẫn giữ quan điểm đề xuất điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu không đấu nối lên lưới điện quốc gia được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất. Tổ chức, cá nhân có thể lựa chọn phát hoặc không phát sản lượng điện dư (nếu có) của điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu vào hệ thống điện quốc gia.
Việc sản xuất điện dư không dùng hết thì được bán lên lưới điện quốc gia không quá 10% tổng công suất lắp đặt, trên cơ sở quy hoạch phát triển điện lực đã dược phê duyệt. Lượng dư phát lên lưới cũng phải theo quy hoạch điện lực đã được phê duyệt, không vượt quá 2.600 MW đến 2030.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu phải có chính sách khuyến khích rõ ràng để tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu. (Ảnh: VGP)
Còn Lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc cho rằng cần có cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu tại khu, cụm công nghiệp trước hết để chống quá tải lưới tại chỗ, đồng thời có thể đầu tư hệ thống lưu trữ điện năng để chuyển thành điện nền huy động vào giờ cao điểm.
Song Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, việc huy động điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu lên lưới điện quốc gia cần căn cứ vào yêu cầu của đất nước, thực tiễn phát triển nguồn điện, đặc thù của từng vùng, miền.
Ông yêu cầu cơ quan soạn thảo phải nghiên cứu phương án nâng tỉ lệ mua điện dư phát lên lưới điện quốc gia là 20% công suất lắp đặt ở miền Bắc, 10% đối với khu vực miền Trung, miền Nam.
Ngoài ra, việc lắp đặt điện mặt trời mái nhà tại khu, cụm công nghiệp, ngoài quy định doanh nghiệp tự đầu tư lắp đặt như trong dự thảo, cần cho phép thuê đơn vị khác lắp đặt để sử dụng.
Phó Thủ tướng cũng cho rằng phải có quy định các biện pháp kiểm soát bảo đảm an toàn hệ thống khi huy động điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu phát công suất dư lên lưới; giao cho điện lực địa phương giám sát, thực hiện theo từng khu vực, địa bàn.
Về phương pháp xác định giá mua điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương xem xét, nghiên cứu theo hướng áp dụng cơ chế bù-trừ hoặc theo giá chào bán thấp nhất trên thị trường điện cạnh tranh tại thời điểm mua.
Nghị định cần tham chiếu các quy chuẩn về an toàn công trình, phòng cháy chữa cháy… khi lắp đặt thiết bị, hệ thống điện, theo hướng đơn giản hoá trình tự thủ tục, hồ sơ khi cấp giấy chứng nhận đăng ký phát triển và triển khai lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu.
Phó Thủ tướng yêu cầu phải có chính sách khuyến khích rõ ràng để tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, kèm theo thiết bị lưu trữ điện năng chuyển thành nguồn điện nền phát lên lưới vào giờ cao điểm, theo hướng "nhà nước, nhân dân cùng làm". Vì vậy, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát ưu đãi về thuế theo quy định của pháp luật bảo vệ môi trường.
"Trường hợp người đầu tư lắp đặt thiết bị lưu trữ điện năng trở thành điện nền huy động vào giờ cao điểm cũng phải có ưu đãi về hỗ trợ thuế, tín dụng, được phát lên 100% công suất lắp đặt. Nếu vướng quy hoạch thì Bộ Công Thương kiến nghị điều chỉnh khi bảo đảm công nghệ, kỹ thuật, chi phí giá thành", Phó Thủ tướng lưu ý.
Hiện cả nước có hơn 103.000 dự án điện mặt trời mái nhà, tổng công suất đặt hơn 9.500 MW. Trong đó, các hệ thống điện mặt trời mái nhà tại miền Bắc khoảng 6% tổng công suất, Hà Nội chưa tới 0,4%. Công suất chủ yếu tập trung ở miền Nam, Trung (chiếm gần 90%). Trong đó, tỷ lệ lắp trên mái nhà ở riêng lẻ, công trình dân dụng 17%.
Theo Quy hoạch điện VIII, quy mô loại nguồn này đến 2030 thêm 2.600 MW hoặc đạt 50% các tòa nhà công sở, nhà dân.
Nguồn kinhtemoitruong.vn
Link bài gốchttps://kinhtemoitruong.vn/dien-mat-troi-mai-nha-du-thua-khu-vuc-mien-bac-co-the-duoc-ban-20-cong-suat-90872.html