(HNMO) - Dù các ca nhiễm Covid-19 đã có dấu hiệu chậm lại tại Hàn Quốc nhưng một ổ dịch nhỏ khác đang có nguy cơ bùng phát ở thủ đô Seoul. Trong khi đó, Lầu Năm Góc đã hủy các cuộc tập trận với đồng minh để phòng, chống dịch Covid-19.
Châu Á
Theo Yonhap, số liệu của Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) công bố ngày 10-3 cho thấy, số ca lây nhiễm tập thể liên quan tới các cơ sở y tế, phúc lợi xã hội ở nước này có xu hướng gia tăng. Một trung tâm chăm sóc khách hàng ở Tây Nam Seoul đã trở thành ổ dịch mới khi có ít nhất 34 người (bao gồm cả nhân viên và các thành viên gia đình họ) được chẩn đoán dương tính với Covid-19.
Sự bùng phát dịch Covid-19 đầu tiên xảy ra trong môi trường văn phòng làm dấy lên lo ngại khi các nhân viên thường phải làm việc gần nhau và không đủ khả năng tham gia vào chiến dịch “giữ khoảng cách tại nơi làm việc”.
Thị trưởng Seoul Park Won-soon cho biết, thành phố có kế hoạch giám sát các môi trường làm việc tương tự và tư vấn cho chủ sở hữu các doanh nghiệp, chẳng hạn như phòng karaoke hoặc câu lạc bộ khiêu vũ đình chỉ hoạt động trong thời điểm hiện tại.
Trước đó, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhận định, diễn biến dịch Covid-19 tại Hàn Quốc đã bước vào giai đoạn ổn định. Tuy nhiên, ông cảnh báo vẫn còn quá sớm để lạc quan, đồng thời kêu gọi mọi người nên tránh các cuộc tụ tập đông người.
Đến ngày 10-3, Hàn Quốc đã ghi nhận thêm 131 ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 7.513 người và 54 người tử vong.
Cùng ngày, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có chuyến thăm tới thành phố Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc, để kiểm tra công tác ngăn chặn và kiểm soát dịch Covid-19.
Theo Tân Hoa xã, Chủ tịch Tập Cận Bình tới thăm hỏi các nhân viên y tế, quân nhân, cảnh sát, nhân viên chính phủ, các tình nguyện viên, bệnh nhân và người dân địa phương. Đây là chuyến thăm đầu tiên của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Vũ Hán kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại đây hồi tháng 12-2019.
Ngày 9-3, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã ra tuyên bố yêu cầu cách ly 14 ngày đối với công dân của tất cả các nước tới Israel do lo ngại về dịch Covid-19. Quyết định trên được đưa ra khi Israel ghi nhận bệnh nhận thứ 42 tại nước này dương tính với vi rút SARS-CoV-2 sau khi trở về nước sau kỳ nghỉ tại châu Âu.
Cùng ngày, truyền hình nhà nước Saudi Arabia đưa tin Bộ Y tế Saudi Arabia đã thông báo về việc phát hiện thêm 5 ca nhiễm Covid-19.
Châu Mỹ
Các lãnh đạo Lầu Năm Góc (Mỹ) đã áp dụng nhiều hành động dứt khoát trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, như hủy tập quân sự với đồng minh, cách ly tàu chiến và theo dõi thân nhiệt binh sĩ.
Lầu Năm Góc đã chuẩn bị cho làm việc từ xa và một số nhân viên được làm ngoài trụ sở nếu tình hình trở nên nghiêm trọng hơn. Một số nhỏ nhân viên quan trọng có thể được "cách ly đặc biệt" để thực hiện nhiệm vụ then chốt trong trung tâm chỉ huy của Lầu Năm Góc.
Trong khi đó, Bộ Y tế Panama đã xác nhận trường hợp đầu tiên nhiễm vi rút SARS-CoV-2 tại nước này. Bệnh nhân là một phụ nữ 40 tuổi từng du lịch tới Tây Ban Nha trong thời gian gần đây.
Châu Âu
Tính đến ngày 10-3, Đức đã xác nhận trên 1.200 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2, song quốc gia này chỉ có 2 người tử vong, ít hơn nhiều so với các nước châu Âu khác có số ca nhiễm tương tự.
Theo hãng tin AP, các chuyên gia cho biết xét nghiệm nhanh khi dịch bệnh bùng phát khiến Đức có thể chẩn đoán được tỷ lệ những người nhiễm bệnh cao hơn nhiều, bao gồm cả những bệnh nhân trẻ tuổi ít có khả năng biến chứng nghiêm trọng. Điều này tạo ra nhiều cơ hội giúp các nhà chức trách kiểm soát tình hình và có nhiều thời gian hơn để chuẩn bị đối phó với dịch bệnh.
Trong khi đó, Pháp đã ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 tương tự như Đức, với trên 1.200 người nhiễm bệnh, nhưng lại có số ca tử vong cao hơn, với 19 trường hợp.
Châu Phi
Theo AP, ngày 10-3, Burkina Faso đã ghi nhận 2 trường hợp đầu tiên nhiễm vi rút SARS-CoV-2, trở thành quốc gia thứ 6 ở vùng Nam sa mạc Sahara có dịch Covid-19.
Cùng ngày, Bộ Y tế Nam Phi xác nhận nước này có thêm 4 trường hợp nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại quốc gia phát triển nhất Lục địa đen lên 7 người.
Cách ly 14 ngày là quãng thời gian phù hợp để phòng dịch Covid-19
Theo một nghiên cứu gần đây, người nhiễm vi rút SARS-CoV-2 có thể không biểu hiện bất cứ triệu chứng nào trong vòng 5 ngày. Điều này cho thấy quãng thời gian cách ly 14 ngày đang được áp dụng trên toàn thế giới là phù hợp.
Tờ Guardian (Anh) cho biết dựa trên kết quả nghiên cứu được đăng trên tạp chí Annals of Internal Medicine (AIM) ngày 9-3, các nhà phân tích nhận thấy 5,1 ngày là thời gian trung bình trước khi người mắc vi rút xuất hiện triệu chứng. Do đó, ông Justin Lessler tại trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg (Mỹ) cho biết: “Dựa trên phân tích về dữ liệu, khoảng thời gian 14 ngày để theo dõi và cách ly là hợp lý”.
Ông Lessler và các đồng nghiệp nhận ra rằng, khoảng 98% người nhiễm Covid-19 sẽ có biểu hiện triệu chứng trong 11,5 ngày. Cứ 10.000 cá nhân phải cách ly trong 14 ngày, chỉ có 101 người sẽ phát triển triệu chứng sau khi rời khỏi cách ly.
Cách ly 14 ngày cũng là khoảng thời gian mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đang khuyến cáo các nước thực hiện để theo dõi các trường hợp có nguy cơ lây nhiễm vi rút SARS-CoV-2. Theo WHO, người mắc Covid-19 thường có biểu hiện như cảm lạnh thông thường trong vòng 3 ngày sau khi nhiễm.