Chính quyền Bắc Ninh, Quảng Bình, Bà Rịa - Vũng Tàu… gần đây liên tục ban hành các chỉ thị thu hồi, thanh tra, rà soát đất đai, chấn chỉnh thị trường BĐS địa phương.
Cuối tháng 4, Thủ tướng ban hành Chỉ thị 11 về một số giải pháp cải thiện, thúc đẩy thị trường bất động sản. Một trong những nội dung của Chỉ thị này là tăng cường thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, việc giao, cho thuê đất, cấp sổ đỏ…
Ngay sau khi chỉ thị được ban hành, hàng loạt địa phương ra văn bản thanh tra, kiểm tra, thậm chí thu hồi nhiều dự án.
Tỉnh đầu tiên ra tuyên bố chấn chỉnh thị trường sau khi Chỉ thị 11 được ban hành là Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong cuộc họp đầu tháng 5 họp giữa UBND tỉnh và các sở ngành liên quan, Sở Kế hoạch & Đầu tư Bà Rịa - Vũng Tàu đã đề xuất thu hồi 10 dự án chậm triển khai kéo dài.
Sở này cũng đề nghị xem xét khả năng thực hiện 17 dự án, trong đó có 9 dự án đã có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chậm triển khai do một số vướng mắc theo quy định của Luật Đất đai. 8 dự án hoàn tất công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, nhận bàn giao mặt bằng chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính.
Sau đó, Quảng Bình, Bắc Ninh và Bình Dương cũng liên tiếp tuyên bố tăng cường thanh tra, quản lý, thu hồi đất đai hoang hoá.
Tại Quảng Bình, hàng chục dự án đầu tư được UBND tỉnh giao đất, cho thuê đất nhưng nhiều năm không triển khai xây dựng. Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh này đang rà soát và kiến nghị UBND tỉnh thu hồi hàng chục dự án đầu tư vi phạm Luật đất đai.
Hay Thanh tra tỉnh Bắc Ninh gần đây cũng ban hành Quyết định thanh tra 7 dự án thuê đất chậm triển khai trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Khánh Hoà giao các Sở Tài nguyên & Môi trường, Xây dựng tham mưu thành lập Ban Chỉ đạo xử lý vi phạm trật tự xây dựng và đất đai của tỉnh.
Tính đến 24/5, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành các quyết định thu hồi chủ trương đầu tư 11 dự án phát triển nhà ở trên địa bàn vì những dự án này chậm triển khai hoặc năng lực chủ đầu tư yếu kém.
Vì sao phải chấn chỉnh?
Tình trạng dự án BĐS chậm triển khai, không triển khai, hoang hoá xuất hiện ở nhiều địa phương.
Tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, lượng dự án chậm triển khai trên đất vàng lên đến con số hàng chục, gây lãng phí nghiêm trọng về kinh tế và tài nguyên đất.
Về vấn đề này, GS Đặng Hùng Võ cho rằng dự án "treo", dự án chậm triển khai, hoang hoá vốn là câu chuyện phức tạp từ xưa đến nay. Theo nguyên Thứ trưởng Tài nguyên & Môi trường, nguyên nhân nằm ở việc thực thi chính sách pháp luật.
Ông Võ dẫn Điều 64, Luật Đất đai 2013, cho hay đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng. Ngoài ra, chủ đầu tư phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ.
Hết thời hạn được gia hạn, chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp do bất khả kháng.
Từ đó, GS Đặng Hùng Võ cho rằng việc các địa phương mạnh tay thu hồi đất hoang, dự án treo là đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng hành động này cần quyết liệt hơn nữa, không để tình trạng bao che, dung túng.
“Tôi cho rằng chúng ta có đủ cơ sở pháp luật để thu hồi, nhưng việc thực thi pháp luật lại là chuyện khác. Các địa phương phải gắt gao hơn, xem xét, tính toán chi tiết, chỉ như vậy thị trường mới có thể ổn định”, ông Võ nhấn mạnh.
(Người đồng hành)