Bộ NN&PTNT đang có 238 thủ tục hành chính ở 13 đơn vị chính
Chiều 3/5, Bộ NN&PTNT tổ chức sơ kết quý I/2024 Ban chỉ đạo Chuyển đổi số Bộ NN&PTNT.
Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp, Bộ NN&PTNT cho biết, trong 7 nhóm tiêu chí thành phần của Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số (DTI), hoạt động chuyển đổi số và thể chế số của Bộ đang bị thấp điểm.
Đặc biệt, chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp của Bộ NN&PTNT hiện được 50% điểm tối đa. Nguyên nhân là do chưa áp dụng IPv6 cho cổng dịch vụ công, số hóa thủ tục hành chính thấp, ít hồ sơ nộp trực tuyến và chưa có nhiều thanh toán trực tuyến.
Bộ NN&PTNT đang có 238 thủ tục hành chính ở 13 đơn vị chính. Do yếu tố lịch sử, Bộ NN&PTNT là sáp nhập của nhiều bộ, nên thủ tục hành chính nhiều, phức tạp, liên quan tới nhiều bộ, ngành khác.
Một số thủ tục gặp nhiều rào cản trong việc tiến tới thủ tục toàn trình, nhất là trong lĩnh vực kiểm dịch động, thực vật. Đây cũng là lý do khiến hai đơn vị là Cục Bảo vệ thực vật (26/31 thủ tục - 84%), Cục Thú y (26/45 thủ tục - 58%) còn tỷ lệ thủ tục một phần tương đối lớn. Tính chung toàn Bộ NN&PTNT, mới có 92 thủ tục toàn trình và 146 thủ tục một phần (chiếm 61%).
Ông Đặng Duy Hiển, Phó Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp cho biết, trải qua nhiều lần tính điểm theo các Quyết định khác nhau của Chính phủ, thứ hạng cải cách hành chính của Bộ thay đổi, có lúc xếp 6/17, nhưng có thời điểm rơi xuống 16/17.
Tuy nhiên, xét trên thang điểm DTI, Bộ NN&PTNT thường nằm tốp cuối. Năm 2020, Bộ đứng 17/17. Hai năm kế tiếp, Bộ đứng thứ 15.
Theo ước tính của Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp, dự kiến chỉ số DTI của Bộ NN&PTNT năm 2023 đạt khoảng 550 điểm. Ở mức này, ông Hiển cho rằng Bộ chưa thể vươn lên nửa trên của bảng xếp hạng 17 Bộ.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó trưởng ban chỉ đạo Chuyển đổi số Bộ NN&PTNT nhấn mạnh: "Phải xác định rõ những việc chúng ta có thể làm ngay và làm tốt được như thể chế số, hay tăng số lượng thủ tục toàn trình. Đề nghị Vụ Pháp chế tham gia, phối hợp chặt chẽ với các Cục, Vụ để rốt ráo vấn đề này".
Cũng tại cuộc giao ban, Thượng tá Nguyễn Thành Vĩnh, Giám đốc Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư (C06) đề nghị Bộ NN&PTNT, chủ động kết nối với VNeID với các dịch vụ chưa kết nối với cổng dịch vụ công quốc gia. Thượng tá Nguyễn Thành Vĩnh cũng cam kết phối hợp, hỗ trợ Cục Thủy sản để xây dựng dữ liệu cho hơn 86 nghìn tàu cá trên cả nước, đồng thời bỏ ngỏ khả năng huy động công an xã, công an khu vực trực tiếp rà soát để làm có dữ liệu chính xác.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, Trưởng ban chỉ đạo Chuyển đổi số Bộ NN&PTNT yêu cầu các Cục, Vụ chủ động hơn nữa để phục vụ người dân, doanh nghiệp. Trong lúc chờ sửa đổi luật và các văn bản pháp lý, Bộ trưởng chỉ đạo phải xoáy sâu vấn đề để biết "thủ tục hành chính đang rườm rà tại đâu". Trước mắt, người đứng đầu Bộ NN&PTNT giao các cơ quan chuyên môn bóc tách nghiệp vụ khỏi thủ tục hành chính.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh: "Chúng ta phải rà soát toàn bộ các dịch vụ công, để xem nghiệp vụ nào phục vụ trực tiếp người dân, nghiệp vụ nào thuộc về chuyên môn, hoặc phần nào có thể sử dụng được dữ liệu từ bộ, ngành khác".
Việc làm từ trên xuống để chuẩn hóa dữ liệu và thiết kế hệ thống từ đầu, hay đi từ dưới lên để phù hợp và hỗ trợ tốt nhất với quy trình thực tế tại đơn vị cũng cần tính toán kỹ. Người nông dân đã chủ động, có nhiều biện pháp thực hiện chuyển đổi số, từ việc bán hàng online, giảm sử dụng tiền mặt… thì không lý gì Bộ NN&PTNT không hoàn thành chiến lược chuyển đổi số quốc gia.
Về kinh phí, Bộ trưởng Lê Minh Hoan gợi mở có thể xã hội hóa, thậm chí mời các tổ chức, cá nhân có kinh nghiệm đào tạo cho HTX, nông dân để đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số cho ngành nông nghiệp.
Đỗ Hương
Nguồn baochinhphu.vn
Link bài gốchttps://baochinhphu.vn/day-manh-so-hoa-thu-tuc-hanh-chinh-trong-nganh-nong-nghiep-102240504072226604.htm