Ông Mai Thế Toản, Phó Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho hay, theo thống kê hiện Việt Nam có khoảng 50 loại khoáng sản, với khoảng 5.000 mỏ quy mô khác nhau đang hoạt động (Bộ cấp 600 giấy phép, còn lại là địa phương), công nghiệp khai thác mỏ chiếm gần 5% tổng GDP.
Tuy nhiên quá trình khai thác, sử dụng mỏ vẫn chưa hiệu quả, đã gây thất thoát tài nguyên, ô nhiễm môi trường suốt nhiều năm qua. Nguyên nhân là bởi hệ thống pháp luật vẫn có những điểm chưa phù hợp, hệ thống giám sát, kiểm tra chưa chặt chẽ.
Các đại biểu đóng góp nhiều ý kiến về xây dựng chính sách khai khoáng tại hội thảo. Ảnh: Nam Anh.
Xuất phát từ thực tế trên đòi hỏi luật cần phải tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, bảo đảm minh bạch; khắc phục bất cập trên thực tế; tiếp cận phương pháp quản trị hiện đại của các nước và phù hợp các điều ước, cam kết quốc tế.
Ông Toản cho biết thêm, nhiều chính sách của các luật trước đây vẫn còn nguyên giá trị, nhưng do bối cảnh thay đổi nên cần điều chỉnh, bổ sung một số nội dung để thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng. Với tinh thần đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chuẩn bị hồ sơ dự án Luật Địa chất và Khoáng sản rất công phu, với 12 chương và 117 điều.
Trong đó dự án luật đã đề cập đến có một số điểm mới quan trọng, nổi bật như: Phân nhóm khoáng sản để thực hiện quản lý khoáng sản theo nhóm; phân cấp mạnh cho địa phương cấp tỉnh; cải cách hành chính; tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo sản lượng kinh tế hàng năm; sử dụng vốn ngân sách Nhà nước để thăm dò khoáng sản chiến lược, quan trọng.
Mỏ khai thác than tại huyện Kim Bôi (tỉnh Hòa Bình). Ảnh: Nam Anh.
Dự thảo luật cũng đề xuất phương án công nhận kết quả thăm dò khoáng sản thay vì phê duyệt trữ lượng; tăng cường quản lý cát, sỏi lòng sông, lòng hồ, khu vực biển; cho phép tổ chức, cá nhân thế chấp, góp vốn quyền khai thác khoáng sản; ưu tiên tổ chức cá nhân đang khai thác hợp pháp được thăm dò xuống sâu, mở rộng để đánh giá đầy đủ, khống chế hết thân khoáng sản đối với loại khoáng sản được cấp phép mà không phải đấu giá quyền khai thác khoáng sản; bổ sung chế biến khoáng sản...
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, ông Nguyễn Tuấn Anh cho hay tài nguyên địa chất, khoáng sản là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia đồng thời là nguồn dự trữ lâu dài cần được quản lý tập trung, khai thác, sử dụng hiệu quả và bền vững.
Để đạt được mục tiêu trên, việc xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý về địa chất, khoáng sản là nhiệm vụ quan trọng, cần được thực hiện bài bản dựa trên căn cứ thực tiễn và tham khảo kinh nghiệm quốc tế.
Cũng tại hội thảo, các đại biểu trao đổi một số vấn đề liên quan đến những khó khăn, vướng mắc trong thủ tục đầu tư và hoạt động khoáng sản tại Việt Nam thời gian qua. Đồng thời, các đại biểu cũng chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về công tác xây dựng Luật, những vấn đề liên quan đến quản lý nhà nước về khoáng sản để bảo đảm chất lượng của Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản.
Nguồn Báo Đại đoàn kết
Link bài gốchttps://daidoanket.vn/dam-bao-quan-ly-khai-thac-su-dung-hieu-qua-tai-nguyen-khoang-san-10275164.html#lg=1&slide=1