Đà Nẵng đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương sớm đề xuất các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù cho thành phố Đà Nẵng trình Quốc hội, Chính phủ thông qua theo tinh thần Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24.1.2019 của Bộ Chính trị (khóa XII).
Thứ hai, sau khi đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được hoàn thiện, Đà Nẵng trình Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt để thành phố có căn cứ triển khai thực hiện các chương trình phát triển đô thị, quy hoạch phân khu, quy hoạch các điểm nhấn kiến trúc - cảnh quan giai đoạn 2021-2030. Đồng thời đề nghị Chính phủ xem xét, thống nhất về chủ trương tổ chức xây dựng Khu liên hợp xử lý CTR của thành phố tại bãi rác Khánh Sơn để thành phố bổ sung trong quy hoạch chung của thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045. Hỗ trợ, kết nối các dự án cơ hội ODA trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai hoặc các nguồn kinh phí khác giải quyết điểm nóng môi trường của thành phố Đà Nẵng nói riêng, các tỉnh trong vùng nói chung.
Về phát triển vùng, Đà Nẵng đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương có chính sách đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, hướng tới việc đồng bộ hóa kết cấu hạ tầng kinh tế kỹ thuật, xã hội đảm bảo nâng cao chất lượng hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và phát triển bền vững.
Cụ thể, cần ưu tiên đầu tư để hoàn chỉnh tuyến đường cao tốc, khuyến khích các tỉnh, thành phố trong vùng thông qua cơ chế tự huy động nguồn vốn từ quỹ đất đô thị hóa để xây dựng và nâng cấp tuyến đường bộ ven biển; xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao qua Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung: Huế - Đà Nẵng - Quy Nhơn (theo kế hoạch sẽ ưu tiên xây dựng trước hai đoạn Hà Nội - Vinh và Thành phố Hồ Chí Minh - Nha Trang); nâng cấp mở rộng các quốc lộ; xây dựng hầm đường sắt qua đèo Hải Vân; đẩy nhanh tiến độ khu đô thị Đại học Đà Nẵng, đầu tư xây dựng cảng biển Liên Chiểu, di dời ga đường sắt, mở rộng cửa khẩu Đắc Ốc thành cửa khẩu quốc tế, khơi thông sông Cổ Cò, mở rộng Quốc lộ 14B, 14D, 14G và tuyến hành lang kinh tế Đông Tây 2 và cải tạo nâng cấp các cảng biển và các sân bay trong vùng; xây dựng trung tâm Logistics - Hậu cần biển cho Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung…
Thứ tư, kiến nghị với Chính phủ nghiên cứu, rà soát, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng Vùng kinh tế trọng điểm theo hướng trao đủ thực quyền ra quyết định, nghiên cứu chuyển giao chức năng phát triển kinh tế từ chính quyền địa phương cho bộ máy vùng.
Theo Đà Nẵng, Hội đồng Vùng cần được thể hiện là một tổ chức phi hành chính trung gian giữa cấp Trung ương và cấp tỉnh. Về cơ cấu tổ chức của Hội đồng Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung: phân công 1 đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch Hội đồng vùng, giao 1 đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trong vùng là Phó Chủ tịch Thường trực của Hội đồng Vùng, Phó chủ tịch Hội đồng vùng luân phiên giữa các địa phương trong vùng và 1 phó chủ tịch Hội đồng vùng là Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đồng thời thành lập thêm các bộ phận giúp việc cho Hội đồng Vùng gồm: Nhóm tư vấn phát triển Vùng, Cơ quan Thường trực của Hội đồng Vùng và Quỹ phát triển Vùng.
Thứ năm, Chính phủ cần tăng cường vai trò điều phối, thúc đẩy các địa phương phối hợp trong xây dựng và triển khai chính sách phát triển kinh tế vùng. Vai trò của Chính phủ trong việc tạo cơ chế khuyến khích liên kết tự nguyện là rất to lớn. Việc đảm bảo bộ máy vùng đủ thực quyền, trong đó có thực quyền ra quyết định đặc biệt là thẩm quyền phê duyệt quy hoạch, kế hoạch và quản lý và phân bổ ngân sách phát triển vùng cũng là một trong những tiền đề quan trọng nhằm tăng cường liên kết vì sự phát triển chung của vùng.
Về quan điểm phát triển, Đà Nẵng đề nghị Chính phủ đặt mục tiêu và yêu cầu phát triển vùng duyên hải miền Trung là địa bàn trọng điểm trong chiến lược phát triển kinh tế biển của Việt Nam, vừa có ý nghĩa về kinh tế - xã hội vừa có ý nghĩa quan trọng về an ninh - quốc phòng.
Đây là vấn đề mang tính chất quan điểm phát triển, nếu được xác định sẽ là tiền đề cho việc xây dựng cơ chế và chính sách và các giải pháp mang tính đột phá, tạo động lực phát triển các ngành, lĩnh vực mà vùng miền Trung có tiềm năng, lợi thế lớn như: du lịch và dịch vụ biển; khu kinh tế, khu công nghiệp, khu đô thị ven biển; cảng biển gắn với logistics; ngư nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao.
Lê Đình Dũng