(HNM) - Trong bối cảnh cuộc đàm phán hạt nhân Mỹ - Triều Tiên lâm vào thế bế tắc, căng thẳng đang diễn biến theo chiều hướng ngày càng nóng lên, ngày 24-12, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã nhóm họp 3 bên tại Thành Đô (Trung Quốc) nhằm phối hợp thúc đẩy đối thoại về phi hạt nhân hóa trên bán đảo liên Triều.
Tại cuộc họp, các nhà lãnh đạo nhất trí cho rằng, việc bảo vệ ổn định và hòa bình trên bán đảo Triều Tiên và thúc đẩy giải pháp chính trị cho vấn đề này là lợi ích chung của Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Dù có nhiều động thái tích cực được đưa ra, song trong năm 2019, đối thoại Mỹ - Triều vẫn chưa đạt được những kết quả như mong đợi.
Triều Tiên đã đưa ra hạn chót vào cuối năm nay để Mỹ thay đổi chính sách, đồng ý nhượng bộ trong đàm phán, tuy nhiên, phía Washington dường như không lay chuyển. Trong khi quỹ thời gian đang ngày càng thu hẹp, có nhiều ý kiến quan ngại cho rằng, Bình Nhưỡng có thể sẽ nối lại hoạt động thử hạt nhân và tên lửa tầm xa sau thời hạn nói trên, đưa tiến trình đàm phán trở về vạch xuất phát.
Mới đây, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã chủ trì cuộc họp mở rộng của Quân ủy Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên, trong đó thảo luận về các biện pháp chính trị cũng như bước đi quân sự nhằm tăng cường lực lượng vũ trang. Cuộc họp này dường như phát đi tín hiệu rằng Triều Tiên có thể sớm tổ chức một phiên họp toàn thể của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên.
Năm 2018, sau phiên họp toàn thể của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên, Bình Nhưỡng đã thông báo ngừng các hoạt động thử hạt nhân và tên lửa tầm xa, động thái mở đường cho cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên trong lịch sử giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 6-2018 tại Singapore. Phiên họp năm nay có thể bàn tới việc ra quyết định rút lại lệnh tạm ngừng nói trên. Bình Nhưỡng cũng đã cảnh báo Washington về một "món quà Giáng sinh" mà họ có thể "gửi tặng".
Có thể thấy sự khác biệt về quan điểm và thiếu lòng tin là nguyên nhân chính khiến tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên “giậm chân tại chỗ” kể từ sau bước ngoặt trong quan hệ Mỹ - Triều và quan hệ liên Triều năm 2018.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tiếp cận vấn đề này với ý tưởng về một thỏa thuận gói, yêu cầu Triều Tiên thực hiện phi hạt nhân hóa hoàn toàn trước khi bất kỳ lệnh trừng phạt nào đối với Bình Nhưỡng được nới lỏng. Trong khi đó, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un khẳng định phi hạt nhân hóa phải được thực hiện từng bước kèm theo động thái “có đi có lại” của Mỹ trong việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế.
Giới phân tích cho rằng, bản thân Tổng thống D.Trump, người đang đối mặt với tiến trình luận tội ở Quốc hội Mỹ và đã bước vào vòng tranh cử cho cuộc bầu cử năm tới, cũng phải chịu sức ép lớn trên chính trường Mỹ trong vấn đề Triều Tiên. Chỉ một thắng lợi nhỏ của phía Mỹ trong giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên cũng sẽ giúp ông chủ Nhà Trắng ghi điểm trước cuộc bầu cử.
Tuy nhiên, chính sách cứng rắn để buộc Bình Nhưỡng nhượng bộ luôn có nguy cơ “già néo đứt dây”. Áp lực này sẽ khiến Tổng thống D.Trump khó có bước đi quyết định để đưa vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên thoát khỏi tình trạng bế tắc.
Theo các nhà quan sát, vòng luẩn quẩn trong đàm phán hạt nhân hiện nay đòi hỏi cả Mỹ, Triều Tiên và một số quốc gia có lợi ích liên quan như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản cần đưa ra một sự thỏa hiệp, với cách tiếp cận linh hoạt và mềm mỏng hơn. Có như vậy, lộ trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên mới đi đúng hướng và có thể về đích như dư luận thế giới mong đợi.