Ghi nhận của phóng viên những ngày qua cho thấy, vỉa hè, lòng đường tại một số tuyến phố như Trần Quang Diệu, Đặng Tiến Đông đang bị lấn chiếm làm nơi kinh doanh, để xe cộ diễn ra khá tràn lan.
Vỉa hè và một phần lòng đường để kín xe máy tại phố Trần Quang Diệu.
Mái che, mái vẩy còn chiếm ra lòng đường
Các xe máy vô tư để trên vỉa hè và dưới đường khiến lòng đường bị "teo tóp".
Tại tuyến phố Trần Quang Diệu nằm trên địa bàn giáp ranh giữa 3 phường Trung Liệt - Quang Trung - Ô Chợ Dừa, không khó để bắt gặp hình ảnh cửa hàng kinh doanh bày bánh kẹo, rau quả, đồ nướng và xe cộ "nuốt" trọn vỉa hè.
Người dân phải đi bộ dưới lòng đường.
Các hàng rong vô tư bày bán hoa quả dưới lòng đường.
Dưới lòng đường, các cá nhân buôn bán hàng rong sử dụng phương tiện xe máy, xe đạp chở hoa quả đỗ dọc theo tuyến phố. Tình trạng này không chỉ gây lộn xộn, cản trở mà còn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
Tương tự, tại tuyến phố Đặng Tiến Đông nằm trên địa bàn giáp ranh giữa hai phường Trung Liệt và Quang Trung, nhiều đoạn lòng lề đường dài hàng trăm mét cũng bị biến thành nơi để xe máy và ô tô dù trên tuyến phố này có biển "cấm đỗ xe".
Đoạn lòng đường dài hàng trăm mét cũng thành nơi để xe máy trên phố Đặng Tiến Đông.
Dù biển "cấm đỗ xe" nhưng ô tô vẫn đậu đỗ tràn lan.
Theo chiều từ phố Tây Sơn đi vào, đoạn bên trái tuyến đường do không có vỉa hè nhưng một số cá nhân vẫn căng ô kinh doanh, buôn bán ngay dưới lòng đường. Còn vỉa hè bên phải tuyến phố, người dân ngang nhiên kê bàn ghế chiếm vỉa hè để kinh doanh ăn uống.
Ô che và hàng nước giải khát bày ngay dưới lòng đường.
Vô tư kê bàn ghế trên vỉa hè.
Ông H.M.Đ. (phố Trung Liệt, phường Trung Liệt), cho biết: Bao năm qua tình trạng vẫn vậy, thỉnh thoảng có thấy lực lượng chức năng đi xử lý nhưng chỉ đi cho có lệ vì sau đó vi phạm vẫn tái diễn. Có lẽ do đây là địa bàn giáp ranh nên phường nọ "nhường" phường kia, không bên nào có trách nhiệm giải tỏa hay duy trì trật tự đô thị cho tuyến phố sạch đẹp và an toàn.
Làm việc với UBND phường Trung Liệt, bà Lê Thị Ánh Tuyết, Phó chủ tịch phường, thừa nhận thực trạng như phóng viên phản ánh và cho biết: Trên các tuyến phố này có khu vực Chợ Thái Hà, dãy ki ốt HTX Thái Hà và các cửa hàng kinh doanh dọc tuyến phố. Hàng ngày do nhu cầu trao đổi mua bán hàng hóa, dịch vụ của dân cư sinh sống quanh khu vực 3 phường (nói trên) tương đối lớn nên dẫn đến tình trạng vi phạm trật tự văn minh đô thị, trật tự an toàn giao thông quanh khu vực vẫn diễn ra dù các lực lượng chức năng của các phường thường xuyên xử lý. Nhất là đối với hàng rong thì khi thấy lực lượng chức năng, họ di chuyển rất nhanh, sang địa bàn phường khác nên không xử lý được.
Cũng cần nói thêm, tất cả những hành vi vi phạm văn minh đô thị đều bắt nguồn từ sự thiếu ý thức của người dân. Ngoài ra, không ít cá nhân đến địa điểm này buôn bán không phải công dân sinh sống hoặc thường trú, tạm trú tại địa bàn phường nên khó khăn trong việc tuyên truyền, vận động, yêu cầu ký cam kết không vi phạm.
Để chấn chỉnh và xóa bỏ thực trạng trên, chính quyền địa phương cần phải mạnh tay, làm công tác trật tự đô thị thường xuyên, lâu dài và bền vững. Lực lượng chức năng các phường phải thường xuyên phối hợp, xây dựng kế hoạch liên kết giữa các phường để giải quyết trật tự đô thị. Tạo hiệu quả cao trong công tác trật tự văn minh đô thị của địa phương.
Định kì cả 3 phường (Trung Liệt - Quang Trung - Ô Chợ Dừa) cùng phối hợp ra quân để giải quyết triệt để tình trạng vi phạm trật tự văn minh đô thị, trật tự an toàn giao thông. Đồng thời, tăng cường xử phạt các trường hợp cố tình vi phạm, nhằm răn đe, không để tình trạng lấn chiếm hè phố, lòng đường để kinh doanh buôn bán, cùng với đó sắp xếp các điểm trông giữ phương tiện một cách hợp lý đảm bảo "lòng đường dành cho phương tiện, vỉa hè dành cho người đi bộ", góp phần giảm ùn tắc giao thông và tổ chức duy trì chống tái lấn chiếm.
Anh Minh
Nguồn suckhoedoisong.vn
Link bài gốchttps://suckhoedoisong.vn/cuoc-chien-gianh-via-he-chua-co-hoi-ket-16924073108132399.htm