Theo TASS, các nhà khoa học Nga đã phát triển công nghệ giúp kéo dài thời gian bảo quản các bộ phận cấy ghép lên gấp 4 lần, thử nghiệm công nghệ trên động vật sẽ bắt đầu vào năm 2020.
Ông Aleksandr Sushkov, giám đốc Phòng thí nghiệm công nghệ cấy ghép mới cho biết, đây là thành tựu của phòng thí nghiệm của Viện sinh lý tế bào thuộc Viện hàn lâm khoa học Nga. So với phương pháp tiêu chuẩn, phương pháp mới cho phép tăng gấp 4 lần thời gian bảo quản nội tạng mà vẫn duy trì sức sống của các cơ quan đó.
Các nhà khoa học đã thử nghiệm với tim ếch và động vật gặm nhấm, sau đó trên tim động vật lớn - cừu và lợn. Không giống như công nghệ hiện có để bảo quản nội tạng trong chất lỏng, các nhà khoa học Nga đã phát triển một loại khí bảo quản.
Vấn đề là phải ngừng các quá trình trao đổi chất trong mô. Để làm điều này, trước tiên, họ sử dụng dung dịch có thành phần đặc biệt, sau đó nội tạng được đặt trong một buồng kín nơi hỗn hợp khí đa thành phần được bơm dưới áp suất rồi làm lạnh đến 2 - 4°C. Với cách này, nội tạng được lưu trữ cho đến khi cấy ghép .
Theo ông Aleksandr Sushkov, việc thử nghiệm trên động vật được lên kế hoạch cho nửa đầu năm 2020. Đầu tiên, ngoài việc chứng minh khả năng tồn tại, điều rất quan trọng là xác định rằng cơ quan cấy ghép phải duy trì được đầy đủ chức năng. Nhiệm vụ thứ hai là kiểm tra xem ngoài tim, liệu phương pháp bảo tồn khí có hiệu quả đối với gan và thận hay không.
Vũ Trung Hương