Phát hiện vi phạm 50 nghìn tỉ, thu hồi được 4 nghìn tỉ
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019 của ngành thanh tra do Thanh tra Chính phủ tổ chức ngày 18.7, ông Trần Ngọc Liêm, Phó tổng Thanh tra Chính phủ cho hay, trong 6 tháng đầu năm, toàn ngành đã triển khai 3.553 cuộc thanh tra hành chính và 84.604 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.
Qua thanh tra, phát hiện vi phạm 50.339 tỉ đồng, 1.004 ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách Nhà nước 34.500 tỉ đồng và 142 ha đất (đã thu hồi 4.037 tỉ đồng, 2 ha đất); xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 15.839 tỉ đồng, 862 ha đất; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 692 tập thể và nhiều cá nhân; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xem xét, xử lý 44 vụ, 73 đối tượng.
Tuy nhiên, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng việc kết luận thanh tra còn chậm; số vụ việc chuyển cơ quan điều tra còn ít, xử lý sau thanh tra còn hạn chế như tỷ lệ thu hồi tài sản nhất là vi phạm về đất đai còn thấp.
Việc thực hiện một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng hiệu quả chưa cao, kết quả phát hiện tham nhũng qua công tác thanh tra còn hạn chế. Số vụ việc chuyển cơ quan điều tra xử lý có tăng so với cùng kỳ năm trước nhưng so với số vụ việc tham nhũng phát hiện còn ít với số sai phạm kinh tế phát hiện qua thanh tra, kiểm toán.
Công tác quản lý Nhà nước về thanh tra, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng còn hạn chế; trình độ, năng lực, kỹ năng của cán bộ thanh tra ở một số nơi còn yếu. Một số công chức, viên chức thanh tra không chấp hành nghiêm nội quy, quy chế của ngành, còn vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Có kết luận thanh tra rồi mà 3-5 tháng không “động đậy” gì
Theo Phó thủ tướng, có hiện tượng sau khi có kết luận thanh tra, có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ rồi nhưng quá trình xử lý về kinh tế, hành chính, thu hồi tài sản… thì phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương còn chậm.
“Có những trường hợp kéo dài đến 3-5 tháng sau không “động đậy” gì, có trường hợp kéo dài cả năm cũng chưa giải quyết, dân bức xúc vì quyền lợi không được bảo đảm nên người dân lại đi khiếu kiện”, Phó thủ tướng Thường trực nêu rõ.
Bên cạnh đó, Phó thủ tướng Thường trực cho rằng, Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước phải bàn bạc, thống nhất rõ đơn vị nào Thanh tra làm, đơn vị nào Kiểm toán làm, tránh chồng chéo, không gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp và cơ quan, tổ chức. Tuy nhiên, đối với những trường hợp có dấu hiệu vi phạm vẫn tiến hành thanh tra đột xuất.
Phó thủ tướng yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả, nâng cao chất lượng tiếp công dân; Tập trung giải quyết kịp thời, đúng pháp luật, thấu tình, đạt lý, nhất là các vụ việc đông người, phức tạp; không để công dân bức xúc phát sinh điểm nóng.
“Việc giải quyết các vụ việc khiếu nại tố cáo phải từ cơ sở, giải quyết phải đúng, phải trúng. Người đứng đầu phải sát sao, gặp dân, đối thoại, giải thích, thực hiện chính sách hỗ trợ cho người dân, nhất là trong việc đền bù, tái định cư… để người dân có cuộc sống tốt hơn thì tình hình tốt. Nếu nơi nào, người đứng đầu không nghiêm túc, có lợi ích nhóm, tham nhũng, chia chác trong các dự án thì tình hình khiếu nại tố cáo nơi đó sẽ phức tạp…”, Phó thủ tướng nêu.
Theo Phó thủ tướng Thường trực, bên cạnh tiếp công dân, đối thoại, vấn đề cơ bản vẫn là khi tiến hành các dự án lớn, thu hồi nhiều đất đai của dân phải bảo đảm công khai, minh bạch, đúng pháp luật. Đối với đất công, đất sạch phải được đấu giá rộng rãi với sự giám sát của đoàn thể, Mặt trận, các tổ chức chính trị xã hội, báo chí thì sẽ không có điểm nóng xảy ra.
“Còn nếu úp úp mở mở, chia chác với nhau thế nào cũng bị phát hiện, xử lý, trừng trị. Người đứng đầu phải nêu gương, trong sạch, sống có tâm với đất nước, với nhân dân”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Lam Thanh