Chủ động thông tin về diễn biến của mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để triển khai các phương án, kế hoạch bảo đảm an ninh trật tự
Công điện gửi Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa; Thủ trưởng các đơn vị: Cục An ninh kinh tế, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động; Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Cục Cảnh sát giao thông; Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng; Cục Truyền thông Công an nhân dân.
Công điện nêu rõ: Dự báo từ nay đến ngày 14/12, khu vực từ Trung và Nam Trung Bộ có khả năng xảy ra một đợt mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến 100-300mm, cục bộ có nơi trên 500mm. Mưa lớn ở các tỉnh miền Trung có khả năng còn kéo dài trong nhiều ngày. Để chủ động ứng phó với diễn biến của mưa lớn, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, lũ, ngập lụt, Văn phòng Bộ (Thường trực Ban Chỉ đạo ƯPT/BCA) đề nghị Công an các đơn vị, địa phương khẩn trương triển khai một số nhiệm vụ sau:
1. Chủ động thông tin về diễn biến của mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để triển khai các phương án, kế hoạch bảo đảm an ninh trật tự, ứng phó phù hợp với diễn biến tại địa phương; hướng dẫn, tuyên truyền người dân cách nhận biết, kỹ năng ứng phó thiên tai để chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại. Tổ chức tuyên truyền sâu rộng, kịp thời về hoạt động công tác cứu nạn, cứu hộ, phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai và lan tỏa hình ảnh đẹp của lực lượng Công an nhân dân.
2. Tăng cường các biện pháp bảo đảm công tác an ninh, trật tự ở tất cả các địa bàn, không để chủ quan, mất cảnh giác, không để bị động, bất ngờ. Bố trí lực lượng, phương tiện phối hợp chặt chẽ với các ngành, các lực lượng tại cơ sở: (1) Rà soát, nắm chắc địa bàn, nắm rõ số hộ, số nhân khẩu tại các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để kịp thời sơ tán, di dời đến nơi an toàn; (2) Hướng dẫn, phân luồng, tổ chức bảo đảm an toàn giao thông, kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không an toàn, không để xảy ra thiệt hại về người do bất cẩn, chủ quan, nhất là tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực đã xảy ra sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở; (3) Kịp thời tổ chức cứu hộ, cứu nạn người dân cùng phương tiện, tài sản và hỗ trợ khắc phục hậu quả mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, bảo đảm ổn định đời sống Nhân dân; (4) Bảo đảm an toàn hồ đập, thủy điện, công trình có dự án trọng điểm, vùng hạ lưu.
3. Làm tốt phương châm "4 tại chỗ", sẵn sàng mọi phương án phòng, chống thiên tai, nhu yếu phẩm thiết yếu, trang thiết bị, phương tiện đặc chủng chuyên dùng kịp thời phục vụ công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả thiên tai. Bảo đảm tuyệt đối an toàn về các lực lượng, trụ sở, cơ sở giam giữ, tài liệu, trang thiết bị làm việc của lực lượng Công an nhân dân.
4. Tổ chức trực ban nghiêm túc, kịp thời thông tin, báo cáo về tình hình, diễn biến, thiệt hại do thiên tai và công tác triển khai ứng phó của lực lượng Công an nhân dân về Văn phòng Bộ theo quy định (SĐT: 069.2299150, 0904231899 hoặc 0979087633).
Nguồn baochinhphu.vn
Link bài gốchttps://baochinhphu.vn/chu-dong-ung-pho-voi-mua-lon-khu-vuc-trung-bo-102241211090857658.htm