Nhiều người cho rằng khí hậu lạnh giá của mùa đông mới là điều kiện thuận lợi cho những cơn đau nhức xương khớp tái phát. Tuy nhiên, tỷ lệ người bệnh xương khớp phải đối mặt với tình trạng này vào mùa hè là không nhỏ.
Bên cạnh việc thời tiết nóng nực khiến nhiều người lười vận động, chán ăn dẫn đến xương khớp kém linh hoạt, thiếu dưỡng chất thì dùng điều hòa sai cách là một “thủ phạm” không ngờ tới.
Vì sao ngồi điều hòa gây đau khớp?
Vào mùa hè, nhiệt độ thực tế ngoài trời có thể lên tới 40, thậm chí là 50 độ C. Trong khi đó, phòng máy lạnh lại thường để mức 25 - 27 độ C, đôi khi thấp hơn. Cách biệt từ 10 - 15 độ C sẽ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe nói chung và cơ, xương khớp nói riêng, đặc biệt là đối với những người bị viêm khớp, thoái hóa khớp.
Ảnh minh họa
Khi từ ngoài trời nắng vào phòng điều hòa lạnh sẽ khiến cơ thể bị sốc nhiệt. Lúc này các mạch máu co mạnh làm giảm lưu thông máu tới các cơ và khớp gây đau. Thêm vào đó, trang phục mỏng ngắn cùng với việc gió thổi trực tiếp vào cơ thể sẽ làm tăng nặng các cơn đau khớp khi ngồi điều hòa.
Một yếu tố quan trọng khác là độ ẩm. Trong phòng điều hòa, độ ẩm chỉ rơi vào khoảng 35 - 45%, trong khi ngoài trời khoảng 75%. Sự chênh lệch về độ ẩm cũng khiến khớp xương khó thích nghi. Sự co giãn đột ngột tại các khớp xương sẽ gây ra các cơn đau nhức.
Bên cạnh đó, khi ngồi lâu trong phòng điều hòa, cơ thể sẽ cảm thấy bí bách do không khí kém lưu thông. Điều này sẽ làm tăng nguy cơ các mầm bệnh xâm nhập vào cơ thể, trong đó có tác nhân gây bệnh xương khớp.
Một số tác hại khác khi ngồi điều hòa quá lâu
Ngoài triệu chứng đau khớp khi ngồi điều hòa, chúng ta có thể gặp phải một số tác hại khác do thói quen ngồi lâu trong điều hòa.
Khô da, khô mắt
Khô da và khô mắt là những vấn đề sức khỏe thường gặp khi dành quá nhiều thời gian trong môi trường máy điều hòa. Việc bị mất độ ẩm sẽ khiến da trở nên khô ngứa và kích ứng. Tình trạng này xảy ra trong thời gian dài sẽ khiến bệnh chàm trầm trọng hơn. Trong khi đó, khô mắt sẽ gây cảm giác cộm và ngứa đỏ mắt.
Ảnh minh họa
Nhức đầu và mệt mỏi
Làm việc nhiều giờ trong phòng có máy điều hòa có thể gây nhức đầu và mệt mỏi. Không khí lạnh sẽ khiến các mạch máu co lại, từ đó làm giảm lưu thông máu lên não và gây nhức đầu. Ngoài ra, tiếp xúc đột ngột với không khí lạnh sẽ làm gián đoạn quá trình điều chỉnh thân nhiệt, khiến cơ thể cảm thấy mệt mỏi và uể oải.
Đối với những người làm công việc văn phòng, thường xuyên ra vào giữa 2 khu vực có nhiệt độ chênh lệch quá lớn khiến cơ thể khó thích ứng kịp. Nhiều trường hợp dẫn đến sốc nhiệt, thậm chí đột quỵ.
Gặp vấn đề hô hấp
Thực tế, đa phần các loại máy điều hòa lấy chính không khí trong phòng để làm mát, sau đó đưa trở lại phòng. Vì luôn phải đóng kín cửa, không khí trong phòng không được làm mới sẽ tích tụ nhiều bụi bẩn, xơ vải, lông thú vật, phấn hoa, vi khuẩn, virus... Đây là những tác nhân gây các triệu chứng như sổ mũi, hắt xì, ngột ngạt, khó thở... Triệu chứng dễ gặp hơn ở người có sẵn bệnh hô hấp dị ứng như hen, viêm mũi dị ứng.
Mặt khác, sử dụng điều hòa khiến không khí trong phòng khô hơn bình thường. Ở quá lâu trong phòng lạnh khiến niêm mạc đường hô hấp khô hơn, dễ kích ứng và bị vi khuẩn, virus tấn công. Những người bị viêm xoang ngồi điều hòa thường rất khó chịu vì niêm mạc mũi bị khô lại, gây đau nhức vùng hốc xoang.
Ảnh minh họa
Tăng nguy cơ nhiễm trùng
Hệ thống điều hòa cần được vệ sinh các bộ lọc và kiểm tra đường ống thường xuyên. Nếu vệ sinh kém có thể khiến các chất ô nhiễm và vi khuẩn tích tụ. Hít phải sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng cho cơ thể.
Để ngăn những nguy cơ sức khỏe trên, các chuyên gia khuyến cáo nên duy trì nhiệt độ lạnh và độ ẩm phù hợp khi dùng máy điều hòa. Tránh để không khí lạnh khô quá mức. Dùng máy tạo độ ẩm có thể giúp khôi phục độ ẩm tự nhiên trong phòng.
Ngoài việc vệ sinh hệ thống điều hòa định kỳ, mọi người nên thường xuyên mở cửa để không khí bên ngoài tràn vào. Cách này sẽ giúp giảm mùi hôi và làm loãng bụi cùng các phân tử có thể gây bệnh khác trong không khí, theo Healthline.
Phương Anh
Nguồn giadinhonline.vn
Link bài gốchttps://giadinhonline.vn/vi-sao-nhieu-nguoi-dau-xuong-khop-khi-ngoi-dieu-hoa-d199036.html