Theo phản ánh của người dân xóm Khe Lánh, xã Phúc Thuận (TP. Phổ Yên), việc xả thải của một số hộ chăn nuôi lợn chưa được quản lý tốt, dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường.
Có mặt tại con suối nhỏ chạy qua địa bàn xóm Khe Lánh với chiều dài khoảng 1km, chúng tôi thấy màu nước đen kịt, mùi hôi bốc lên rất khó chịu. Lý giải về điều này, người dân cho rằng do ý thức bảo vệ môi trường của một số hộ chăn nuôi trong khu vực chưa cao, nên đã có tình trạng xả thải trực tiếp ra môi trường, khiến dòng suối ngày càng ô nhiễm.
Cũng theo phản ánh của người dân, trên địa bàn xóm hiện có hơn 20 hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm, trong đó 4-5 hộ có quy mô đàn lợn 30-70 con/lứa. Mặc dù các hộ chăn nuôi đã xây hầm biogas để xử lý phân, có bể chứa nước thải, nhưng kích cỡ chưa đáp ứng yêu cầu, việc che chắn thực hiện sơ sài nên để chảy tràn ra ngoài, gây mùi hôi thối. Tình trạng ô nhiễm càng nặng hơn khi các hộ rửa chuồng hoặc tưới nước thải từ các bể chứa ra khu vực trồng trọt xung quanh.
Đơn cử như hộ ông Nguyễn Văn Tú, với diện tích chuồng trại 300m2, gia đình đang chăn nuôi 8 con lợn nái và 70 con lợn thịt. Tại vị trí chuồng nuôi, ông Tú có xây dựng bể biogas và bể chứa nước thải nhưng không đủ công suất xử lý đảm bảo theo quy định. Nước thải và phân thải từ bể chứa đã chảy ra rãnh nước thải, gây mùi hôi thối, ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng đến các hộ xung quanh.
Ông N.H.C, người dân xóm Khe Lánh: Do chăn nuôi nhỏ lẻ, tự phát nên việc xả thải của các hộ chưa được quản lý tốt. Lâu nay, khi trời mưa xuống nắng lên, thời tiết thay đổi, những hộ dân sinh sống gần các hộ chăn nuôi đều phải đóng kín cửa để hạn chế mùi hôi bay vào nhà. Chúng tôi mong muốn chính quyền địa phương vào cuộc quyết liệt hơn nữa để khắc phục tình trạng này.
Còn ông P.V.M, người dân trong xóm cho rằng: Tình trạng ô nhiễm môi trường từ hoạt động chăn nuôi nhỏ lẻ đã từng xảy ra trên địa bàn, song vì nể nang hàng xóm nên người dân cũng chỉ nhắc nhở nhau, rồi cho qua. Tuy nhiên, thời gian gần đây, mức độ ô nhiễm nặng hơn, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt nên chúng tôi mới nhờ đến sự can thiệp của chính quyền địa phương.
Sau khi được chính quyền địa phương kiểm tra, nhắc nhở, một số hộ chăn nuôi lợn ở xóm Khe Lánh, xã Phúc Thuận, đã xây dựng, nâng cấp bể chứa nước thải, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường.
Về vấn đề này, ông Đỗ Công Hanh, Chủ tịch UBND xã Phúc Thuận, cho biết: Ý kiến phản ánh của người dân xóm Khe Lánh về tình trạng ô nhiễm môi trường từ hoạt động chăn nuôi lợn là hoàn toàn có cơ sở. Sau khi tiếp nhận kiến nghị của bà con, lãnh đạo UBND xã đã cùng lực lượng chức năng kiểm tra trực tiếp tại khu vực này. Qua kiểm tra cho thấy, chuồng trại đều nằm trong vườn của các gia đình nên hệ thống thu gom, xử lý phân và nước thải chưa đảm bảo kỹ thuật. Chính vì thế, mỗi khi các hộ chăn nuôi vệ sinh chuồng trại thường hay để nước thải chảy ra ngoài, gây ô nhiễm môi trường cho các hộ xung quanh.
Trước tình trạng trên, xã đã lập biên bản, yêu cầu các hộ khẩn trương có biện pháp khắc phục hệ thống bể chứa phân thải, nước thải, đồng thời ký cam kết bảo vệ môi trường theo quy định. Trong quá trình các hộ khắc phục, UBND xã cũng thường xuyên kiểm tra, nếu hộ nào cố tình vi phạm, địa phương kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định. - Ông Đỗ Công Hanh
Thực tế cho thấy, trước nay, cơ quan chức năng, cũng như các cấp chính quyền địa phương mới chỉ quan tâm, chú trọng giám sát và xử lý các trang trại, gia trại, chưa có nhiều giải pháp để khắc phục ô nhiễm ở các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ. Để trả lại môi trường sống trong lành cho người dân, cũng như hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường từ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư, cấp ủy, chính quyền xã Phúc Thuận cần vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa trong việc xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Cùng với đó, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền để người dân chăn nuôi làm chuồng trại cách xa khu dân cư và thực hiện các biện pháp xử lý chất thải đảm bảo vệ sinh môi trường...
Nguồn baothainguyen.vn
Link bài gốchttps://baothainguyen.vn/tai-nguyen-moi-truong/202412/chan-nuoi-trong-khu-dan-cu-gay-o-nhiem-moi-truong-4622360/