Theo báo cáo của Sở NN&PTNT TP.Cần Thơ, đến thời điểm hiện tại, Cần Thơ đã có 72 trên 76 xã, phường, thị trấn đã qua 30 ngày chưa tái phát dịch bệnh. Tuy nhiên, hiện dịch bệnh chưa có vắc xin và thuốc điều trị, vì vậy công tác tái đàn đang được địa phương kiểm soát chặt chẽ, tránh thiệt hại cho người chăn nuôi. Thiệt hại từ dịch tả lợn châu Phi đã ảnh hưởng tới ngành chăn nuôi của địa phương, số tiền để hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi bị ảnh hưởng gần 100 tỉ đồng.
Ông Phạm Trường Yên, Phó giám đốc Sở NN&PTNT TP.Cần Thơ, dự báo, Tết Nguyên đán tới đây, địa phương sẽ thiếu nguồn cung thịt lợn. Tuy nhiên không vì thế mà tái đàn lúc này. Hiện, địa phương đã có kế hoạch cụ thể để tránh thiệt hại khi tái đàn. Những trang trại nuôi tập trung và các hộ chăn nuôi đủ điều kiện đảm bảo an toàn sinh học và có sự kiểm soát chặt chẽ của ngành thú y thì mới được tái đàn, còn những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tạm thời chuyển đổi sang những vật nuôi phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Theo ông Yên, đối với trang trại và các hộ chưa có xảy ra dịch bệnh thì những được phép tái đàn, nhưng phải tuân thủ các quy định về vận chuyển giống ra, vào vùng có dịch bệnh. Thứ hai là báo cáo chính quyền địa phương và Chi cục Chăn nuôi và Thú y để phát triển đàn.
Theo thống kê của ngành chức năng, giá thịt lợn hơi ở khu vực ĐBSCL đang dao động khoảng 70.000 đồng/kg, giá thịt bán đến tay người tiêu dùng dao động từ 150.000 - 170.000 đồng/kg. Để đảm bảo cung cầu, ngành chức năng cũng đã tính đến phương án nhập khẩu thịt đông lạnh trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Phạm Văn