Rác thải nhựa trên bờ biển Montesinos, ở Santo Domingo, Cộng hòa Dominica.
Trong khi Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) trước đây đã xác định được khoảng 13.000 hóa chất nhựa, mới đây, báo cáo của một nhóm các nhà khoa học châu Âu đã tìm thấy hơn 16.000 hóa chất trong nhựa, 1/4 trong số đó được cho là nguy hiểm tới sức khỏe con người và môi trường.
Báo cáo do Hội đồng nghiên cứu Na Uy tài trợ được đưa ra khi các nhà đàm phán của chính phủ đang vật lộn với việc đưa ra hiệp ước đầu tiên trên thế giới, nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm nhựa ngày càng gia tăng, với khoảng 400 triệu tấn chất thải nhựa được sản xuất mỗi năm.
Đồng tác giả báo cáo Jane Muncke - Giám đốc điều hành của Diễn đàn Bao bì Thực phẩm phi lợi nhuận Thụy Sĩ cho biết: “Để giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm nhựa, bạn thực sự phải xem xét toàn bộ vòng đời của nhựa và cần giải quyết vấn đề hóa chất. Vì hóa chất nhựa có thể ngấm vào nước và thực phẩm”.
Bà Muncke nói: “Hiện chúng tôi đang tìm thấy hàng trăm, thậm chí là hàng nghìn hóa chất trong nhựa và một trong số chúng có liên quan đến những hậu quả bất lợi cho sức khỏe của con người, ảnh hướng đến khả năng sinh sản và bệnh tim mạch.
Các tác giả của báo cáo cho biết, mặc dù ngành nhựa cho rằng bất kỳ hiệp ước toàn cầu nào cũng nên thúc đẩy tái chế và tái sử dụng nhựa, nhưng chỉ giải quyết vấn đề rác thải nhựa là chưa đủ để bảo vệ con người.
Các nhà khoa học nhấn mạnh sự cần thiết phải minh bạch hơn về những hóa chất, bao gồm chất phụ gia, chất hỗ trợ chế biến và tạp chất đang được sử dụng trong nhựa hay các các sản phẩm tái chế.
Ông Martin Wagner - nhà môi trường tại Đại học Na Uy cho biết: “Cốt lõi của vấn đề là sự phức tạp về mặt hóa học của nhựa. Thường thì các nhà sản xuất không thực sự biết họ có loại hóa chất nào trong sản phẩm của mình. Chỉ có 6% hóa chất có trong nhựa được quy định trên phạm vi quốc tế. Nếu không có áp lực pháp lý thì sẽ không có động lực để tiết lộ những gì có trong nhựa”.