Tổng cộng 10 trứng đã được lấy từ 2 con tê giác cái tại Khu bảo tồn Ol Pejeta ở Kenya (châu Phi). Nhóm nghiên cứu, bao gồm các chuyên gia từ Đức và Cộng hòa Séc, cho biết việc lấy trứng diễn ra suôn sẻ và cả 2 con tê giác vẫn đang khỏe mạnh.
“Đây là một ngày đặc biệt tại Ol Pejeta. Các nhà khoa học đã tách được 8 trứng từ Fatu và 2 trứng từ Najin. Số trứng này được chuyển đến phòng thí nghiệm Avantea ở Ý để thụ tinh với tinh trùng đông lạnh của tê giác trắng phương Bắc đực đã chết”, người phát ngôn của khu bảo tồn viết trên Twitter.
Theo các nhà khoa học, 2 con tê giác trắng phương Bắc còn sót lại, Fatu và Najin, đều không thể mang con đủ tháng. Vì vậy các nhà khoa học sẽ cấy phôi của chúng vào tê giác trắng phương Nam, một phân loài có sự tương đồng.
Hồi tháng 3.2018, Sudan - con tê giác trắng phương Bắc đực cuối cùng trên thế giới đã chết tại khu bảo tồn Ol Pejeta vì lý do tuổi tác.
Trong khi loài tê giác trắng phương Nam hiện còn khoảng 20.000 cá thể chủ yếu phân bố tại Nam Phi, số lượng tê giác trắng phương Bắc đã sụt giảm nghiêm trọng do nạn săn bắt và bị mất môi trường sống hoang dã.
Từ năm 2006, nhân loại đã không còn ghi nhận bất kỳ cá thể tê giác trắng phương Bắc nào sống trong môi trường tự nhiên.
Hoàng Phương (theo ABC News)