Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng lãnh đạo không ít cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thật sự quan tâm tới công tác phòng cháy; chưa chủ động thường xuyên thực hiện tốt chế độ tự kiểm tra.
“Có nơi coi công tác kiểm tra về phòng cháy là của lực lượng cảnh sát phòng cháy, chưa bố lực lượng chữa cháy dân phòng, nếu có cũng hình thức. Tập huấn có lúc có lúc không, tập huấn rồi không tổ chức diễn tập nên khi xảy ra sự cố thì lúng túng không biết xử trí ra sao. Có nơi, lúc có đoàn kiểm tra thực thi công vụ thì chuẩn bị tốt những quy định về phòng cháy để không bị xử phạt, nhưng sau đó vẫn như cũ, không quan tâm
Tồn tại đó cũng là do sự kiểm tra không được thường xuyên, liên tục, dễ dãi, nể nang, xử lý không nghiêm minh hoặc có xử lý cũng là hình thức, chưa mang tính răn đe nên người đứng đầu cơ quan, doanh nghiệp vẫn còn chủ quan trong phòng cháy”, đại biểu Hòa nói.
Theo đại biểu Hòa, có thực trạng nhức nhối là cơ quan chức năng phòng cháy chữa cháy kiểm tra không triệt để mà “chỗ triệt, chỗ để”.
“Doanh nghiệp nào mua thiết bị, phương tiện chữa cháy ở cơ sở sản xuất do cán bộ phòng cháy chỉ định thì được kiểm tra dễ dãi. Mặc dù giá cả nơi đây cao hơn nhiều lần so với nơi khác nhưng cũng phải mua, nếu không mua sẽ bị làm tình làm tội trong kiểm tra. Việc này đã diễn ra nhiều nơi mà doanh nghiệp không dám lên tiếng”, đại biểu Hòa nêu.
Ông cũng cho rằng công tác thẩm định, nghiệm thu về phòng cháy đối với các công trình xây dựng cơ bản, dự án kinh tế nhà ở đô thị, khu kinh tế vẫn còn bất cập.
Theo báo cáo, nhiều công trình nguy hiểm cháy nổ chưa được thẩm duyệt thiết kế. Nhiều công trình, chung cư, nhà cao tầng đã hoạt động, người dân vào ở rồi mà vẫn chưa được nghiệm thu về phòng cháy.“Có đủ lý do nhưng giải trình của chủ đầu tư, cơ quan chủ quản nhưng tôi nghĩ rằng đây là lỗ hổng rất lớn của công tác quản lý nhà nước”, ông Hòa nói.
“Dư luận cho rằng sự dễ dãi của cơ quan chức năng, lợi ích riêng tư của nhóm người (trong đó có cơ quan, cá nhân thẩm duyệt phòng cháy) đã tạo kẽ hở cho sự vi phạm về phòng cháy. Đây cũng là nguyên nhân khi cháy nổ xảy ra, gây thiệt hại nặng nề về tài sản và tính mạng của người dân”, ông Hòa nhận định.
Về kiểm định chất lượng thiết bị phòng cháy, ông Hòa cho rằng việc này cũng còn nhiều bất cập.
“Không loại trừ có sự bao che, thậm chí là sân sau của tổ chức, cá nhân kiểm định, cho nên các thiết bị không rõ nguồn gốc xuất xứ, chất lượng kém vẫn còn tồn tại nhiều nơi. Khi xảy ra cháy nổ, thiết bị báo cháy không hoạt động kịp thời, mất tác dụng, rỉ sét không còn sử dụng được”, ông nói.
Theo Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, vừa rồi lực lượng PCCC đi kiểm tra thì cũng phát hiện ra việc một số trụ nước chỉ là trụ giả chôn xuống dưới mà không có đường ống, hoặc thậm chí có đường ống nhưng cũng không có nước”.
Trong những hạn chế, tồn tại Đoàn giám sát của Quốc hội chỉ ra, nhiều đại biểu cũng nêu tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” trong công tác quản lý về PCCC. Theo đó, không ít nơi, cơ quan PCCC ở cấp quận, huyện vừa là cơ quan phê duyệt phương án PCCC, đồng thời cũng là cơ quan thực hiện chức năng thanh tra, kiểm tra, chưa kể những chuyện tiêu cực.
Qua hỏi một số anh em, bạn bè, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cho biết, chỉ cần mở một cửa hàng thôi nhưng nếu tự lên phương án PCCC mà đưa đến cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thì “rất là khổ”. Thế nhưng, nếu để cho chính các cơ quan đó gọi cho các doanh nghiệp vào làm, người ta gợi ý luôn thì khi được phê duyệt “rất là nhanh”, vì “người ta vừa làm người ta vừa phê duyệt”.
Một trong những vấn đề được đại biểu lo lắng là chất lượng của các thiết bị phòng cháy, chữa cháy (PCCC), nhất là PCCC tại các công trình. Thực tế giám sát cho thấy, số lượng và chất lượng các thiết bị còn rất khác nhau. Đáng lưu ý, có những thiết bị chỉ mang tính hình thức để đối phó chứ chất lượng rất kém và cũng có rất nhiều những thiết bị là giả và không làm được chức năng PCCC.
Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cho hay, đáng ngại hơn là hệ thống thiết bị PCCC không đồng bộ, kém chất lượng dẫn đến không hoạt động mà vụ cháy chung cư Carina là một điển hình.
Theo ông Nhân, công tác kiểm tra chung cư được tiến hành 21 lần trong 5 năm, tuy nhiên khi cháy xảy ra thì hệ thống chuông báo cháy không hoạt động. Hệ thống báo khói, đầu phun nước tự động không tác dụng.
“4 “cái không” sau 21 lần kiểm tra liệu đã đủ để làm đậm thêm bức tranh ám khói về thực trạng công tác kiểm tra PCCC hay chưa, nhưng vẫn không là gì so với trách nhiệm của các cơ quan chức năng, chủ đầu tư và ý thức của ai đó đang tâm vô hiệu hệ thống thoát nạn mà cái giá phải trả là sự ra đi trong oan ức của 13 sinh mệnh”, ông Nhân nói.
Theo đại biểu này, có nghịch lý không khi càng tổ chức các buổi kiểm tra, tuyên truyền, huấn luyện, càng phát hành pano, khẩu hiệu thì cháy xảy ra càng nhiều? Trong giai đoạn giám sát gần 150.000 lớp tuyên truyền, huấn luyện được tổ chức, hơn 4 triệu pano, khẩu hiệu được phát hành, 1.500.000 lượt tổ chức kiểm tra và hàng triệu tồn tại, thiếu sót được chỉ ra, nhưng số vụ cháy năm 2017 lại gấp đôi năm 2015 và mới 7 tháng đầu năm 2018 đã vượt quá nửa cùng kỳ?...
“Cháy bất kể nơi đâu, bất cứ lúc nào, cháy trước khi đoàn giám sát đến và ngay khi đoàn vừa rời đi”. Như vậy, công tác tuyên truyền, kiểm tra, huấn luyện có ý nghĩa và mang lại hiệu quả gì? Bao nhiêu nguồn lực xã hội đã bỏ ra, tuy nhiên làm nhiều nhưng đọng lại ít và hệ quả là “những cái giá như” không có hồi kết”, ông Nhân nhấn mạnh.
Lam Thanh