Bưu điện Việt Nam gặp sự cố
Đại diện Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) cho biết vào 3h10 sáng ngày 4-6, hệ thống CNTT của Bưu điện Việt Nam đã bị tấn công, ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động liên quan đến dịch vụ bưu chính chuyển phát.
Tính đến thời điểm hiện tại, các dịch vụ tài chính bưu chính, hành chính công và phân phối hàng hóa vẫn hoạt động bình thường.
Công ty cho biết đơn vị đang làm việc với các cơ quan chức năng và phối hợp với các đối tác để xử lý, khắc phục sự cố trong thời gian sớm nhất, đảm bảo tối đa quyền lợi khách hàng.
Fanpage Vietnam Post - Bưu điện Việt Nam xác nhận hệ thống CNTT đang bị tấn công.
Trong thời gian xử lý, các website và ứng dụng liên quan của Bưu điện Việt Nam sẽ tạm thời bị gián đoạn. Khi thử truy cập vào website http://vnpost.vn/ hoặc https://vietnampost.vn/, bạn sẽ thấy xuất hiện trang trắng cùng dòng thông báo This site can’t be reached.
Các website và ứng dụng liên quan đến Bưu điện Việt Nam đang gặp sự cố, khiến người dùng không thể truy cập.
Tương tự, ứng dụng My Vietnam Post Plus cũng gặp sự cố, khiến người dùng không thể tạo đơn hàng hoặc tra cứu thông tin.
Trước đó không lâu, nhiều công ty lớn tại Việt Nam cũng đã bị tin tặc tấn công, mã hóa dữ liệu (ransomware), đơn cử như VnDirect, PVOIL…
Ransomware (hay còn gọi là mã độc tống tiền) là một loại phần mềm độc hại mã hóa dữ liệu của nạn nhân và yêu cầu họ phải trả tiền chuộc để lấy lại quyền truy cập vào dữ liệu. Kẻ tấn công thường sẽ sử dụng các phương thức như email lừa đảo, trang web giả mạo hoặc khai thác lỗ hổng bảo mật để xâm nhập vào hệ thống máy tính của nạn nhân và cài đặt ransomware.
Làm thế nào để hạn chế các cuộc tấn công ransomware?
Để bảo vệ bản thân và doanh nghiệp khỏi các cuộc tấn công của ransomware, hãy cân nhắc thực hiện theo các quy tắc sau:
- Cài đặt ngay các bản vá có sẵn cho các giải pháp VPN thương mại để cung cấp quyền truy cập cho nhân viên làm việc từ xa.
- Luôn cập nhật phần mềm trên tất cả các thiết bị đang sử dụng để ngăn chặn ransomware khai thác lỗ hổng và xâm nhập vào các thiết bị.
- Tập trung chiến lược phòng thủ vào việc phát hiện các chuyển động ngang (lateral movement) và rò rỉ dữ liệu ra Internet.
- Sao lưu dữ liệu định kỳ và đặc biệt chú ý đến việc sao lưu ngoại tuyến.
- Tránh tải và cài đặt các phần mềm vi phạm bản quyền hoặc phần mềm không rõ nguồn gốc.
- Chuẩn bị kế hoạch giải quyết khủng hoảng nếu xảy ra tình huống doanh nghiệp bị tấn công mạng và đánh cắp dữ liệu.
Nguồn plo.vn
Link bài gốchttps://plo.vn/ky-nguyen-so/buu-dien-viet-nam-gap-su-co-khong-the-truy-cap-post794025.html