Trao đổi với TTXVN, ông Nguyễn Chung Khánh - Giám đốc Ban Quản lý dự án 7 thuộc Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết, cầu Rạch Miễu bắc qua sông Tiền nối tỉnh Bến Tre với tỉnh Tiền Giang trên Quốc lộ 60 hiện đang quá tải, nhất là dịp lễ, Tết nên Bộ GTVT đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc bố trí vốn năm 2020 để thực hiện việc chuẩn bị đầu tư dự án cầu Rạch Miễu 2.
“Ban Quản lý dự án 7 đang hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư trong quý 1/2020 và tiến hành lập báo cáo nghiên cứu khả thi, lập báo cáo thiết kế kỹ thuật để triển khai thi công cầu Rạch Miễu 2 trong giai đoạn 2020-2025”, ông Khánh thông tin với TTXVN.
Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng cầu Rạch Miễu 2 (do Công ty TNHH tư vấn DASAN của Hàn Quốc thực hiện), cầu Rạch Miễu 2 có tổng chiều dài 17,5km với 4 làn xe lưu thông, điểm đầu tuyến của cầu là điểm giao cắt Quốc lộ 1A với đường ĐT 870 - tỉnh Tiền Giang và cuối tuyến là điểm giao cắt Quốc lộ 60 tại đường dẫn cầu Hàm Luông, tỉnh Bến Tre.
Cầu Rạch Miễu 2 cách cầu Rạch Miễu hiện hữu 3,8km về phía thượng lưu. Tổng mức đầu tư dự án là 4.987,1 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước; trong đó chi phí xây dựng là 3.133 tỉ đồng, tiền đền bù giải tỏa 705 tỉ đồng…
Ông Nguyễn Văn Thành - Cục trưởng Cục Quản lý đường IV (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, hiện cầu Rạch Miễu không chỉ kẹt xe nghiêm trọng vào những ngày Tết mà còn xảy ra cả ngày thường.
Chẳng hạn vào trưa ngày 17.1 (23 Tết Âm lịch) mới đây, mật độ xe lưu thông trên Quốc lộ 60 hướng từ Bến Tre về Tiền Giang đổ về cầu Rạch Miễu dày đặc khiến hơn 7km Quốc lộ 60 đoạn đường dẫn lên cầu Rạch Miễu bị ùn ứ nghiêm trọng. Tình hình này đã khiến cho Trạm thu phí BOT cầu Rạch Miễu đã buộc phải xả trạm nhưng vẫn không cải thiện được nhiều, trong khi lực lượng cảnh sát giao thông đã có mặt theo Quốc lộ 60 để điều tiết giao thông.
Dòng xe kẹt cứng kéo dài hơn 5km trên Quốc lộ 60 hướng từ Bến Tre về cầu Rạch Miễu ngày 17.1 - Ảnh: LĐO
Và để chống ùn tắc giao thông qua cầu Rạch Miễu dịp Tết Âm lịch 2020, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có văn bản đồng ý cấm ô tô tải từ 3 trục trở lên qua cầu Rạch Miễu dịp Tết. Mục đích của việc điều tiết giao thông như nêu trên nhằm hạn chế tình trạng kẹt xe xảy ra hai bên bờ cầu Rạch Miễu.
Theo đề xuất của UBND tỉnh Bến Tre, trong thời gian chờ đợi xây dựng cầu Rạch Miễu 2, tỉnh đề xuất Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho phép mở bến phà từ An Khánh (Bến Tre) qua Song Thuận (Tiền Giang) để giảm tải cho cầu Rạch Miễu.
Ban Quản lý dự án 7 cho biết, cầu Rạch Miễu hiện hữu được khánh thành thông xe vào ngày 19.1.2009 chỉ với 2 làn xe (một làn đi và một làn về).
Công trình có tổng chiều dài toàn tuyến hơn 11km. Trong đó, phần chính của cầu khoảng 2.800m, đoạn dây văng dài 504m với 112 bó cáp treo. Mặt cầu rộng 50m và độ tĩnh không thông thuyền là 37,5m.
Cầu Rạch Miễu hoàn thành đã rút ngắn thời gian từ Tiền Giang sang Bến Tre từ 30 phút xuống còn 5 phút, góp phần thúc đẩy kinh tế của Bến Tre phát triển, phá thế cô lập của tỉnh này với cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Cũng liên quan đến cầu Rạch Miễu và nhu cầu đi lại trong Tết Âm lịch 2020, một bài viết mới đây trên LĐO cho biết tỉnh Bến Tre đang đề xuất Bộ GTVT cho khôi phục lại phà Rạch Miễu để “cứu nguy” cầu Rạch Miễu đang bị quá tải nghiêm trọng.
Sau 100 năm tồn tại, vào tháng 1.2009 phà Rạch Miễu được xem là đã hoàn thành “nhiệm vụ lịch sử” để giao nhiệm vụ đưa người và xe qua sông Tiền cho chiếc cầu dây văng hiện đại mang tên cầu Rạch Miễu.
Thế nhưng, cầu Rạch Miễu hiện nay luôn bị quá tải nặng nề, thường xuyên bị ùn tắc giao thông nghiêm trọng kể cả vào ngày thường, trong khi cầu Rạch Miễu 2 thì sớm lắm cũng 5 năm nữa mới có.
Theo lãnh đạo tỉnh Bến Tre, để “giải cứu” cầu Rạch Miễu hiện hữu, chỉ còn cách khôi phục lại phà Rạch Miễu, như là biện pháp tình thế để “chia lửa” cho cây cầu. Nếu được như vậy thì sau 11 năm biến mất, phà Rạch Miễu nay sẽ có cơ hội xuất hiện trở lại.
Thi Anh tổng hợp