Ngang nhiên hoạt động không phép
Thuận An nói riêng và tỉnh Bình Dương nói chung được coi là “thủ phủ” công nghiệp tại khu vực phía Nam. Tốc độ phát triển đô thị nhanh chóng nên các nguồn rác thải, phế liệu rất lớn. Từ đó, các cơ sở thu mua phế liệu như: sắt thép, giấy, vỏ, ruột xe, nhựa, mút, xốp… mọc nên như nấm.
Tuy nhiên, việc thu mua, phân loại, tái chế và tập trung quá nhiều phế liệu không theo quy hoạch, chủ yếu mang tính tự phát nằm tại khu vực đông dân cư đã và đang góp phần gây nguy cơ tái ô nhiễm môi trường, nguy cơ cháy, nổ và mất an toàn giao thông rất cao.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền kết hợp kiểm tra, giám sát việc đăng ký kinh doanh, công tác phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường, an toàn giao thông, bảo vệ an toàn hành lang đường bộ… đối với các cơ sở kinh doanh thu mua phế liệu ở nơi đây dường như cũng chưa được quan tâm đúng mức.
Chẳng hạn như cơ sở chứa sắt thép phế liệu Phong Đăng Phát (đã tháo bảng hiệu, không địa chỉ) tại thửa 322, tờ bản đồ 951, khu phố Bình Thuận 2, phường Thuận Giao, TP. Thuận An (mặt tiền đường Mỹ Phước – Tân Vạn) hoạt động rầm rộ nhiều năm nay không đủ thủ tục bảo vệ môi trường, xây dựng, không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy chữa cháy, gây bụi, tiếng ồn ảnh hưởng tác động tiêu cực đến cuộc sống người dân.
Đặc biệt, thửa 322, tờ bản đồ 951 (có tổng diện tích 10.352 m2) được quy hoạch là đất ở đô thị (8.127 m2) và đất giao thông (2.225 m2) nên cơ sở chứa sắt thép phế liệu này có dấu hiệu hoạt động trái phép, không đúng quy hoạch.
Theo ghi nhận của PV, cơ sở phế liệu này chứa số lượng lớn sắt thép phế liệu trên diện tích rộng hàng ngàn m2. Bên trong cơ sở là các máy móc như máy cẩu, máy xúc, máy ép cùng một số xe tải lớn chuyên chở phế liệu hoạt động rầm rộ ồn ào đinh tai nhức óc, phát sinh bụi bay mịt mù. Để che mắt lực lượng chức năng và người dân, cơ sở này dùng nhiều thùng container xếp chồng lên nhau làm hàng rào vây quanh bên phía đường Mỹ Phước – Tân Vạn. Vì vậy, người dân rất khó quan sát từ phía ngoài.
Thửa đất 951 có một phần rộng hàng ngàn mét vuông được cho thuê làm cơ sở phế liệu.
Theo nhiều người dân sinh sống tại khu vực này cho biết, cơ sở chứa sắt thép phế liệu này lâu nay hoạt động không phép, sử dụng đất sai mục đích, sát ngay khu dân cư và trường mầm non. Các chất thải nguy hại, đất dính dầu không được thu gom, phân loại, lưu giữ theo quy định mà nhiều khi DN mang đốt khiến khói độc và mùi khét, mùi hôi lan rộng cả một vùng.
Cùng với đó, trong quá trình bốc dỡ, cắt nhỏ và ép sắt thành cục lớn cũng như việc bốc xếp phế liệu sắt thép lên xuống xe gây ồn ào và bụi sắt bay tứ tung, thổi thẳng vào nhà dân, khiến nhiều gia đình phải đóng cửa suốt cả ngày. Người dân đã nhiều lần phản ánh lên chính quyền địa phương nhưng tình hình không có gì thay đổi.
Ngoài ra, tình trạng các xe có trọng tải hàng chục tấn như xe tải, xe đầu kéo container liên tục ra vào cơ sở chứa phế liệu này khiến giao thông qua khu vực cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tuy nhiên, sau nhiều ngày quan sát, chúng tôi không hề thấy bóng dáng của lực lượng cảnh sát giao thông hay cơ quan chức năng nào đến kiểm tra.
Trao đổi với PV, chị Trần Thị H., một người dân bán hàng gần bãi phế liệu này, cho biết: “Cơ sở phế liệu này như một quả “bom nổ chậm” vì nằm trong khu dân cư khiến cuộc sống của chúng tôi luôn bị đe dọa bởi nguy cơ cháy nổ, ô nhiễm môi trường. Đặc biệt là xe cộ, máy móc hoạt động ồn ào suốt ngày đêm gây bức xúc cho người dân chung quanh…”.
Ông Lê Văn T – một người dân khác, cho biết: “Cơ sở này trước đây có tên là Phong Đăng Phát, tuy nhiên, sau khi bị các cơ quan chức năng yêu cầu dừng hoạt động thì không thấy bảng hiệu đâu nữa. Vụ việc đã xảy ra nhiều năm, đến nay, không hiểu sao bãi phế liệu này vẫn ngang nhiên hoạt động, thách thức pháp luật và dư luận như vậy!?”.
Cận cảnh việc bốc dỡ, dập, ép sắt thép phế liệu liên tục, gây ra tiếng ồn đinh tai nhức óc và bụi mù mịt.
Cấp phép một nơi, hoạt động một nẻo
Theo tìm hiểu của PV, cơ sở sắt phế liệu Phong Đăng Phát do ông Lê Đăng Du làm chủ, được Phòng Tài chính Kế hoạch UBND thị xã Thuận An (nay là TP. Thuận An) cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 46F 8038488 ngày 18/9/2019. Thế nhưng, người điều hành và quản lý mọi hoạt động bãi sắt phế liệu này là ông Lê Đăng Chung (anh trai ông Du).
Trước đó, cơ sở này đã từng bị cơ quan chức năng xử phạt và yêu cầu dừng hoạt động vì vướng vào hàng loạt sai phạm. Chẳng hạn, năm 2019, cơ sở bị xử phạt hành chính vì hoạt động không đúng địa điểm kinh doanh theo giấy chứng nhận đã được cấp, không thực hiện đầy đủ các điều kiện kinh doanh đối với ngành nghề có điều kiện; không có bản Kế hoạch bảo vệ môi trường được xác nhận theo quy định, ảnh hưởng tác động về môi trường gồm có tiếng ồn, bụi (phát sinh trong quá trình lên xuống, dẹp hàng hóa sắt phế liệu).
Đồng thời yêu cầu ngưng ngay hoạt động kinh doanh khi chưa đảm bảo các điều kiện về môi trường, lĩnh vực đất đai, xây dựng, phòng cháy chữa cháy theo quy định của pháp luật.
Liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo UBND phường Thuận Giao đã thừa nhận, phản ánh của người dân và báo chí về việc trước đây bãi sắt phế liệu Phong Đăng Phát hoạt động trái phép, gây ô nhiễm môi trường là hoàn toàn đúng. “Đồng thời, phường cũng đã phối hợp với phòng TN&MT thị xã Thuận An (nay là TP. Thuận An) tiến hành kiểm tra giấy phép kinh doanh sai địa điểm, không đúng trong giấy phép được cấp. Đoàn kiểm tra cũng đã lập biên bản và đề nghị thu hồi giấy phép kinh doanh”, vị lãnh đạo này thông tin thêm.
Những vệt dầu nhớt đen xì loang lổ chảy ra cả ngoài đường.
Trao đổi với phóng viên, một cán bộ chuyên môn của phường Thuận Giao cũng cho biết, việc cơ sở phế liệu này hoạt động gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm tiếng ồn, không đủ điều kiện phòng cháy chữa cháy… cũng gây thêm nhiều hệ lụy khác. “Vì vậy, chủ đất đã không cho thuê nữa mà kiên quyết yêu cầu chủ bãi phế liệu này di dời đi nơi khác”.
Như vậy, sai phạm của cơ sở sắt phế liệu Phong Đăng Phát là rất rõ ràng, nghiêm trọng và xảy ra trong thời gian tương đối dài, khiến người dân bức xúc. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng liên quan vẫn “bất lực” trong việc xử lý những vấn đề nêu trên?! Đã mấy năm trôi qua, nhưng cơ sở này vẫn tồn tại và hoạt động bình thường như không hề có việc gì xảy ra.
Trường Mầm non Ánh Bình Minh 2, nơi chăm sóc nuôi dạy hàng trăm trẻ em nhỏ nằm sát vách bên bãi phế liệu này, chịu ảnh hưởng ô nhiễm nặng nề.
Tương tự, cơ sở phế liệu Thuận Phát (đóng trên địa bàn phường An Phú, TP. Thuận An) cũng đã bị lực lượng chức năng xử phạt vi phạm hành chính về đất đai. Đồng thời, đề nghị thực hiện cưỡng chế theo quy định vì đã có nhiều vi phạm về lĩnh vực môi trường, không đảm bảo công tác phòng cháy, chữa cháy…
Được biết, sau khi tiếp nhận thông tin từ phóng viên, cán bộ chuyên môn của UBND phường Thuận Giao cho biết, bên Quản lý đô thị đang tiến hành kiểm tra nhằm làm rõ những dấu hiệu vi phạm của cơ sở Phong Đăng Phát để có hướng xứ lý tiếp theo.
Gần đây, trên địa bàn tỉnh Bình Dương thường xuyên xảy ra các vụ cháy nổ các cơ sở chứa phế liệu. Chẳng hạn, đêm 13/4/2024, một vụcháyxảy ra tại kho chứa phế liệu của Công ty TNHH sản xuất bao bì Hợp Nhất hoạt động trong lĩnh vực sản xuất bao bì giấy tại phường Vĩnh Phú, TP. Thuận An. Vụ cháy đã thiêu rụi khu vực chứa giấy phế liệu khoảng 500 m2với kết cấu tường gạch, khung thép, mái tôn có diện tích bị cháy khoảng 300 m2với chất cháy chủ yếu là giấy phế liệu. Rất may, vụ cháy không gây thiệt hại về người.
Hay như trưa ngày 18/8/2023, một vựa ve chai tại phường Đông Hòa, TP. Dĩ An với diện tích khoảng 300 m2. Trong đó diện tích cháy khoảng 45 m2với chất cháy chủ yếu là giấy, bao bì, nhựa, thùng carton….
Đây cũng chính là bài học nhãn tiền cho công tác quản lý của cơ quan chức năng nói riêng và cho các cá nhân tập thể trong việc thu gom và xử lý phế liệu nói chung…
Môi trường và Đô thị điện tử sẽ tiếp tục thông tin.
Nhóm PV
(Theo Môi trường và Đô thị điện tử)