Quá trình đô thị hóa và nhu cầu cao trong sinh hoạt hằng ngày của người dân dẫn đến lượng rác thải sinh hoạt phát sinh ngày càng nhiều. Tại khoản 1 Điều 75 và khoản 1 Điều 79, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định: Phải triển khai phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định và thực hiện trên toàn quốc từ ngày 1-1-2025. Vậy nhưng trên thực tế, tất cả địa phương, trong đó có Bình Phước đều chưa thể thực hiện được các quy định này vì rất nhiều lý do khác nhau.
Mặc dù Sở Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản đề nghị các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và đơn vị liên quan cùng vào cuộc để chung tay khắc phục tình trạng xả rác thải vô tội vạ ra môi trường, tuy nhiên kết quả đạt được rất khiêm tốn. Thực tế, toàn tỉnh chưa có địa phương nào triển khai được mô hình 3 thùng rác trong 1 gia đình.
Hội viên phụ nữ Chơn Thành tham gia lớp tập huấn làm men vi sinh IMO
Trong khi chờ đợi các biện pháp mạnh mẽ hơn để Luật Bảo vệ môi trường đi vào cuộc sống, nhiều địa phương đã chủ động tìm cách để tái sử dụng rác thải sinh hoạt bằng những cách làm thiết thực. Tại thị xã Chơn Thành, hội liên hiệp phụ nữ (LHPN) các cấp đã phát động toàn thể hội viên tham gia lớp tập huấn phương pháp sản xuất IMO từ nguồn rác thải gia đình. Chưa thể trang bị 3 thùng rác theo quy định, các hội viên được khuyến khích phân loại rác thải hữu cơ để tự làm phân bón. Cách làm đơn giản, có thể pha trộn tại nhà theo công thức, nguyên liệu sẵn có, chi phí thấp là những lợi ích mà mô hình này đem lại.
Chị Đoàn Thị Minh Trâm ở phường Hưng Long, thị xã Chơn Thành, người đã rất thành công khi khởi nghiệp với men gốc vi sinh IMO cho biết: “Chị em có thể tận dụng bất kỳ chất thải sinh hoạt như cơm nguội, cuống rau, ruột cá, bã mía, phụ phẩm nông nghiệp từ lúa, bắp, cây họ đậu để chủ động nguồn nguyên liệu. Phụ gia đi kèm vô cùng dễ kiếm, chỉ cần 1 thùng có nắp khoảng 20 lít và 2 hộp sữa chua. Cách làm men ủ này cũng khá dễ. Người dùng chỉ cần cho các nguyên liệu vào trộn đều rồi ủ từ 7-10 ngày, khi ngửi có mùi men rượu là đạt. Sau khi phơi khô sẽ tạo thành 5kg men IMO. Việc sử dụng men vi sinh IMO sẽ giúp rút ngắn thời gian phân hủy rác hữu cơ”.
Phụ nữ Chơn Thành học cách tái chế rác thải bằng vi sinh bản địa IMO
Chế phẩm vi sinh IMO gốc được sử dụng trong nhiều lĩnh vực như: Ủ phế phẩm nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi, ủ phân, ủ rác, khử mùi, giảm ô nhiễm môi trường, dùng để làm enzyme từ rác thải, sản xuất chất tẩy rửa sinh học, làm thuốc trừ sâu sinh học... Phương pháp này giúp nông dân vừa tận dụng nguồn phụ phẩm vừa bảo vệ môi trường.
Chị Trần Thị Loan ở ấp 1, xã Minh Lập là một trong những hộ tiên phong tái chế rác thải bằng vi sinh bản địa IMO. Ngay sau khi được tập huấn, chị Loan đã thí điểm trên vườn cây cảnh của gia đình. “Thực tế ở đây ít ai phân loại rác theo quy định. Tuy nhiên, từ khi được tập huấn, tôi lựa riêng rác thải hữu cơ rồi ủ men thành phân bón vi sinh. Đây là cách làm hay, vừa có phân để trồng cây vừa xử lý rác hữu cơ không còn mùi khó chịu” - chị Loan chia sẻ.
Thấy được hiệu quả của phương pháp sản xuất chế phẩm vi sinh vật bản địa IMO, Hội LHPN thị xã Chơn Thành đã triển khai tập huấn cho các cơ sở hội. Đây cũng là cách làm hay giúp bảo vệ môi trường vừa tạo ra sản phẩm nông nghiệp tốt, chất lượng và an toàn hơn để sử dụng.
Chị Cao Thị Hồng Việt, Chủ tịch Hội LHPN xã Minh Lập cho biết: “Sau khi triển khai tập huấn, phụ nữ địa phương đã tạo được thói quen trong việc thu gom, phân loại và xử lý rác thải tại gia đình. Từ đó, làm giảm ô nhiễm môi trường, giảm rác thải sinh hoạt phải mang đi xử lý mà lại có nguồn phân bón sạch cho cây trồng. Đến nay, toàn xã có hơn 90% hội viên phụ nữ tham gia mô hình “Phân loại và xử lý rác thải hữu cơ tại nguồn bằng men vi sinh IMO”.