“Tranh công, chối tội, đổ lỗi, thanh minh…” thời nào cũng có. Song gần đây, nó xuất hiện với tần suất ngày một nhiều và đối tượng bị đổ lỗi cũng ngày một phong phú, đa dạng,… biến đổi khí hậu không ngoại lệ.
Cách đây hơn một thập kỷ, cụm từ “biến đổi khí hậu” còn khá xa lạ với nhiều người. Theo tốc độ lan truyền của các phương tiện thông tin đại chúng, cùng nhiều dấu hiệu bất thường của thời tiết xuất hiện với tần số và cường độ ngày càng cao hơn, “biến đổi khí hậu và nước biển dâng” dần trở nên quen thuộc.
Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Nguy cơ đến cuối thế kỷ 21, mực nước biển có thể dâng cao 1m, sẽ có khoảng 40% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long, 11% diện tích Đồng bằng sông Hồng và 3% diện tích của các tỉnh khác thuộc vùng ven biển sẽ bị ngập; 10 – 12% dân số nước ta bị ảnh hưởng trực tiếp khiến không ai có thể thờ ơ. Biến đổi khí hậu – câu chuyện đã được dự báo, ngày nay và mai sau không thể không đối mặt.
Song, những cảnh báo quá mức về nguy cơ từ biến đổi khí hậu dẫn đến ý tưởng hình thành những công trình vĩ đại, tốn kém kinh phí, nguồn lực và thời gian mà tính khả thi rất đáng ngờ? Theo cách này hay cách khác, người ta biến biến đổi khí hậu là “kẻ có tội” hoàn hảo để che đậy những yếu kém trong quản lý hay thiết kế và quy hoạch vốn đã có thể giảm thiểu hoặc tránh những thiệt hại đó.
Phá rừng, khai thác khoáng sản vô tội vạ gây lũ quét, sạt lở cũng do biến đổi khí hậu. Thi công cầu đường bị lún sụt, biến dạng, hư hỏng cũng đổ cho hiện tượng nóng lên toàn cầu. Tháp truyền hình, cột điện đổ sập, người ta sẵn sàng đổ thừa cho bão tố bất thường, nhưng khi kiểm tra lại mới vỡ lẽ xây dựng không đúng thiết kế. San lấp các vùng trũng, thiếu giám sát để người dân đổ rác bừa bãi gây ngập úng cũng “cắt nghĩa” là do mưa bất thường, triều cường dâng cao.
Nhiều dòng sông bị bức tử từ nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt bị chặn lại bởi các con đập cao hay những hồ chứa khổng lồ khiến dòng chảy xuống hạ lưu bị xáo trộn nghiêm trọng, nước mặn xâm lấn sâu hơn vào đất liền… được cho là hậu quả của “biến đổi khí hậu và nước biển dâng”. Nhiều khu rừng bị tàn phá, khai thác tận kiệt cho mục đích lấy gỗ, làm thủy điện, khai khoáng, mở rộng diện tích cư trú, canh tác… khiến lũ lụt hung hãn hơn và khô hạn khắc nghiệt hơn cũng đổ vấy cho “biến đổi khí hậu”.
Chưa kể, nhiều dự án khủng, cần chi hàng ngàn tỷ để xây dựng cũng lấy lý do chống khô hạn, xâm nhập mặn, nước biển dâng, lấy ElNino làm dẫn chứng. Thậm chí, họ đòi làm những dãy công trình đê biển tốn hàng ngàn tỷ đồng để chống nước biển dâng ở cuối thế kỷ hay để phòng ngừa… siêu bão, sóng thần.
Chúng ta cần bình tâm nhìn nhận lại. Biến đổi khí hậu rất phức tạp, nó không chỉ đơn thuần minh chứng từ những số liệu thống kê trung bình nhiều năm đang có sự thay đổi hay từ những kết quả kịch bản phát thải khí nhà kính. Việc đánh giá các tác động của biến động khí hậu lên cơ sở hạ tầng, điều kiện thi công xây dựng, tình trạng ngập úng, ô nhiễm không thể võ đoán theo suy nghĩ chủ quan mà cần dựa vào các đo đạc chuẩn xác, các phân tích khoa học.
Biến đổi khí hậu là một hiện tượng thiên nhiên đáng quan tâm và ứng phó, nhưng chắc chắn nó không phải là “thùng rác” để chứa những sai sót, sai lầm của ai đó đổ vào!
BĐKH, biến đổi khí hậu