Nói về Nhà thơ xứ Đoài Trần Hòa Bình, Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội đã có những chia sẻ xúc động.
Từ năm 2013, Hội Nhà văn Hà Nội mở các cuộc sinh hoạt chuyên đề định kỳ vào ngày 10 hằng tháng, bất luận ngày đó rơi vào ngày thường hay ngày nghỉ. Những cuộc sinh hoạt chuyên đề này đã cung cấp thông tin cập nhật về mọi lĩnh vực như ngoại giao, kinh tế, giáo dục, văn hóa, văn học... Diễn giả là những người có uy tín.
Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức sinh hoạt chuyên đề tháng 7
Sáng 10/7, tiếp tục một năm hoạt động khá sôi nổi với tinh thần gắn kết hội viên và thúc đẩy sáng tác, Hội Nhà văn Hà Nội tiếp tục tổ chức sinh hoạt chuyên đề tháng 7, với nội dung: Hội thảo tiểu thuyết lịch sử Vụ án Thái sư hóa hổ của tác giả Ngô Ngọc Liễn và tọa đàm thơ về hai nhà thơ xứ Đoài: Nguyễn Lương Ngọc và Trần Hòa Bình.
Sinh hoạt chuyên đề tháng 7 do Nhà văn Y Ban - Ủy Viên BCH Hội Nhà văn Hà Nội - Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội chủ trì.
Sau những phút bàn luận sôi nổi tiểu thuyết lịch sử Vụ án Thái sư hóa hổ của tác giả Ngô Ngọc Liễn, Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội đã có những chia sẻ xúc động về Nhà thơ Trần Hòa Bình.
Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến nhấn mạnh: “Nhà thơ Trần Hòa Bình suốt đời làm một cây xương rồng nghèo khó”.
Nhà thơ Trần Hòa Bình lúc sinh thời
Lúc sinh thời, Nhà thơ Trần Hòa Bình tự ví mình như cây xương rồng trên cát với nỗi niềm tự sự.
“Phải chăng nhà thơ trong cõi tĩnh lặng của tâm hồn mình đã nâng tình yêu lên thành một mỹ cảm tôn giáo của riêng thi ca anh. Bởi thế, thơ tình của Trần Hòa Bình luôn có những khát khao, dằn vặt, vụng dại, thấp thỏm nhưng cũng đầy kiêu hãnh như một thứ ánh sáng trong vắt đã nuôi dưỡng hồn thơ anh qua những bước thăng trầm của đời sống và tình người” - Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến ngậm ngùi.
Cũng trong buổi sinh hoạt chuyên đề, chia sẻ về đời và thơ của nhà thơ Trần Hòa Bình, Nhà nghiên cứu phê bình văn học Ngô Văn Giá cũng là một người bạn thân thiết với Nhà thơ Trần Hòa Bình xúc động: “Từ những bài thơ đầu tiên cho đến bài thơ cuối cùng, thơ Trần Hoà Bình hiện thân của một tâm hồn lúc nào cũng trẻ, lúc nào cũng yêu. Nhà thơ Trần Hoà Bình mãi mãi đang ở tuổi yêu. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc bảo rằng thơ Bình mãi thuộc về tuổi trẻ”.
“Cho tới nay, nhà thơ Trần Hoà Bình chưa cho ra đời một tập thơ nào (trừ mấy tập truyện thơ thiếu nhi in chung). Thơ anh chỉ thi thoảng đăng trên các báo… Tuy chưa có một tập thơ nào, ấy thế mà Trần Hoà Bình mặc nhiên được người trong giới bao giờ cũng coi anh là nhà thơ chính hiệu. Cái danh xưng nhà thơ thực sự không phải ở chỗ cứ phải có tập thơ này nọ, mà có tập vị tất đã thành nhà thơ, cái quyết định là ở chất lượng thế nào” - Nhà nghiên cứu phê bình văn học Ngô Văn Giá xúc động nói.
Kết thúc sinh hoạt chuyên đề, gần 100 hội viên tiếp tục giao lưu, trao đổi, bàn luận chuyện văn chương, nghệ thuật. Từ những cuộc sinh hoạt chuyên đề này, cùng với các cuộc hội thảo, tọa đàm, các chuyến đi thực tế, các hội viên sẽ hiểu biết cuộc sống và cảm hứng sáng tạo được nhân lên.
Sinh năm 1956 ở Sơn Tây, tốt nghiệp khoa ngữ văn Đại học Sư phạm Hà Nội, trong suốt ba mươi năm cầm bút, Nhà thơ Trần Hòa Bình là một gương mặt khá đặc biệt trong làng văn phía Bắc. Anh làm thơ, viết báo, viết phê bình văn học và giảng dạy tại khoa báo thuộc Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Cùng thưởng thức lại bài thơ cuối cùng đầy xúc cảm của Nhà thơ Trần Hòa Bình:
Khau Vai
Có những con đường không thể tới thành Rome nhưng Khau Vai thì tới...
(T.H.B)
Một người đi tìm một người
bao nhiêu người đi tìm bao nhiêu người?
Khau Vai buồn như đá
nước mắt người già mài trên má
đâu rồi thời rung reng vòng bạc lắc đồng?
Em kìa, những cây sa mộc lặng lẽ trong thung
chúng đang nghĩ gì?
em đang nghĩ gì?
Nếu một mai mình không lấy được nhau
em có đi tìm anh
qua điệp trùng đá sắc
những Khau Vai bầm dập dấu chân người?
Trời ơi Khau Vai
Khau Vai nhìn qua nước mắt
bao bong bóng về trời
thương buồn gửi lại...
Những cuộc tình vụng dại
những cuộc tình khôn ngoan
đã sống và đã chết ở nơi này
không khôn ngoan không vụng dại
chỉ lặng chìm như đá
chỉ bời bời như mây
Chúng ta sa mộc chiều nay
em hai mươi thoắt thành ngàn tuổi
em có anh xa xót thế này sao?
Quỳ trước núi mà tin thôi em ạ
ai trong đời chẳng có một Khau Vai
nhọn sắc đá tai mèo
cứa vào thương nhớ
Hãy nhìn nhau nhìn nhau trước gió
em sẽ thấy một Khau Vai trong số phận chúng mình.
Khau Vai 2007 - Lục Nam 2008
Null