Các nhà khoa học cảnh báo về một thảm họa khí hậu ở Nga
Kết luận của các nhà nghiên cứu được công bố trên tạp chí Natural Climate Change (Biến đổi khí hậu tự nhiên).
Theo các chuyên gia, khí hậu Bắc Cực trong khu vực có thể sớm thay đổi và trở nên ấm hơn, điển hình cho hệ thống khí hậu Đại Tây Dương. Được biết, nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng này là lượng nước ngọt mà Biển Barents nhận được trong quá trình tan băng ngày càng ít đi.
Biển Barents có thể được chia thành hai phần với các điều kiện khí hậu khác nhau: phía bắc lạnh giá và phía nam khí hậu dễ chịu hơn.
Hệ sinh thái ở phía bắc phụ thuộc vào lớp băng. Nếu chu kỳ khí hậu diễn ra bình thường thì lớp băng này tan ra và cung cấp nước ngọt cho biển, lượng nước ngọt này đến mùa đông lại biến thành lớp băng phủ. Các nhà khoa học tuyên bố rằng, nước lạnh đang rút về phía bắc do áp lực của dòng nước ấm trên Đại Tây Dương.
Biến đổi khí hậu ảnh hưởng rất tiêu cực tới hệ sinh thái biển ở Nga (Ảnh: Dân trí)
Bên cạnh đó, một nghiên cứu cho thấy quá trình nóng lên ở Biển Barents sẽ không thể đảo ngược — ở Bắc Cực đã hình thành một "điểm nóng" và biến đổi khí hậu ảnh hưởng rất tiêu cực tới hệ sinh thái biển.
Nga và cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu
Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến hầu hết các nước. Với lãnh thổ rộng nhất thế giới, trải từ Châu Âu sang Châu Á, LB Nga cũng gánh chịu nhiều hậu quả. Những năm gần đây thời tiết ở Nga diễn biến cực đoan, tác động xấu đến đời sống xã hội và gây nhiều thiệt hại về kinh tế.
Liên bang Nga đã có nhiều chính sách và giải pháp để góp phần cùng các nước trên thế giới thúc đẩy cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
Ngày 17/12/2009, Tổng thống Nga lúc đó là D. Medvedev phê chuẩn Học thuyết khí hậu của LB Nga đến năm 2020, làm nền tảng chính sách nhà nước trong lĩnh vực chống biến đổi khí hậu. Trên cơ sở đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường Nga triển khai Kế hoạch tổng thể thực hiện học thuyết này với những giải pháp cụ thể.
Ngày 30/9/2013, Tổng thống V. Putin ban hành Sắc lệnh về việc cắt giảm lượng khí thải, theo đó, đến năm 2020 Nga sẽ cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính xuống bằng 75% của năm 1990.
Phát biểu tại Khóa họp 70 Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 2015, Tổng thống Putin tuyên bố đến năm 2030 Nga sẽ cắt giảm khối lượng khí thải xuống mức 70% của năm 1990.
Để bảo đảm được mức cắt giảm đó, LB Nga thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ, từ việc tăng cường tỷ trọng sử dụng năng lượng tái tạo (chủ yếu tăng tỷ trọng điện hạt nhân, thủy điện) và sử dụng công nghệ tiết kiệm điện đến bảo vệ phát triển rừng (đây là thế mạnh của Nga, để rừng “sàng lọc” một lượng khí thải lớn)…
Nước Nga nhận thức được nguy cơ do biến đổi khí hậu gây ra và đang hợp tác chặt chẽ với các nước trên thế giới trong cuộc chiến gay go này.
Biến đổi khí hậu ngày càng trở nên phức tạp hơn đối với toàn cầu (Nguồn: Khoa học Đời sống)
-> Dân cư gần nhà máy Honda Việt Nam không ngừng kêu mùi khí thải