GS.TS Trần Đình Hòa đánh giá: Nước là sự dẫn dắt cho phát triển, trong đó Việt Nam không phải là quốc gia dồi dào về trữ lượng nước ngọt. Việc sử dụng tài nguyên nước ngọt do đó cần một giải pháp quản lí tổng hợp, lâu dài và có hiệu quả nhất.
GS.TS Trần Đình Hòa (Phó GĐ Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam) cho biết, các nghiên cứu đánh giá của thế giới về trữ lượng nước ngọt/đầu người cho thấy, Việt Nam vẫn thuộc nhóm quốc gia thiếu nước so với mặt bằng trung bình của các quốc gia trên thế giới.
Bên cạnh đó, vị trí địa lí, điều kiện địa hình, khí hậu và chế độ thủy văn của nước ta chia thành 2 mùa rõ rệt là mùa khô và mùa mưa, khiến lượng nước ngọt phân bố theo không gian và thời gian không đồng đều. Có những vùng rất thiếu nước ngọt, ví dụ một số nơi tại miền núi phía Bắc, đặc biệt là duyên hải Nam Trung Bộ như Bình Thuận, Ninh Thuận có lượng mưa rất thấp. Về thời gian, mùa mưa chiếm tới trên 80-90% lượng nước ngọt phân bố trong cả năm…
Với những đặc thù đó, việc tích trữ nước về mùa mưa để sử dụng dần cho mùa khô đã là truyền thống, là tri thức bản địa từ ngàn xưa, nhất là các vùng nông thôn và đặc biệt là vùng núi vừa khan hiếm nước. Nhiều hình thức tích trữ nước truyền thống đã được áp dụng như lu, bể cạn, chum vại…, đến nay vẫn đạt hiệu quả tốt.
Những năm qua, cũng đã có những đề tài khoa học cấp Nhà nước để nghiên cứu các giải pháp tích trữ nước trong mùa mưa đối với các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các vùng khan hiếm nước được triển khai rộng khắp. Tuy nhiên, vẫn rất cần những giải pháp căn cơ, lâu dài để vừa ứng phó với vấn đề thiếu nước, vừa đảm bảo điều hòa nguồn nước…
Giáo sư có đề cập, nước ngọt vừa là mục tiêu phải quản lí, sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả, nhưng nước cũng là đối tượng phải khắc chế. Hiện nay, vấn đề ngập lụt đô thị, nhất là tại TP. HCM cũng đang hết sức bức xúc. Quan điểm của ông về giải pháp tổng thể để giải quyết cho vấn đề ngập lụt đô thị hiện nay?
Trước hết, cần phải phân biệt rõ, việc trữ nước mưa để sử dụng cho sinh hoạt và chống ngập cho đô thị là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau.
Cụ thể như với những đô thị lớn như TP. HCM, với đặc thù mật độ dân cư và điều kiện mặt bằng, để áp dụng giải pháp tích nước mưa với quy mô, hình thức như tích nước mưa đối với sinh hoạt thì khả năng góp phần chống ngập là không khả thi.
Theo tính toán, việc tích nước mưa theo hình thức “lu, vại” truyền thống, nếu áp dụng đại trà ở đô thị như TP. HCM thì cũng chỉ tích được không quá 10% so với tổng lượng mưa đổ xuống toàn thành phố. Đây là tỉ lệ quá bé và không có nhiều ý nghĩa trong việc góp phần chống ngập khi có mưa lớn và kéo dài.
Tuy nhiên nếu nhìn rộng ra mang tính chiến lược, thì việc tích trữ nước mưa cũng là một trong những giải pháp có thể đồng thời giải quyết được hài hòa nhiều mục đích cho đô thị. Nhật Bản đã xây dựng những hầm chứa nước mưa đa năng, có thể chứa được hàng trăm triệu mét khối, góp phần giải quyết tình trạng ngập lụt cho đô thị.
Vào mùa khô, những hầm chứa này lại được sử dụng cho các mục đích khác. Singapore cũng đã làm những hồ chứa tương tự. Nếu có giải pháp tổng thể, thì việc tích trữ nước mưa với quy mô lớn ở đô thị, vừa giải quyết được ngập lụt, vừa có thể tái sử dụng một nguồn nước ngọt tương đối sạch…
Phải khẳng định, đây là một giải pháp có hiệu quả rất cao mà chúng ta sẽ phải nghĩ tới nhằm quản lí, sử dụng tổng hợp nguồn nước một cách hiệu quả, tối ưu nhất. Tuy nhiên, để thực thi được giải pháp này thì đòi hỏi nguồn lực rất lớn, trong khi điều kiện nguồn lực của chúng ta hiện nay lại rất khó khăn. Vì vậy, có những giải pháp để giải quyết cho vấn đề ngập lụt đô thị mang tính nguyên tắc, khả thi hơn mà chúng ta trước hết cần phải nghĩ tới và tuân thủ.
Cụ thể, đó là những giải pháp nào, thưa ông?
Việc ngập lụt ở đô thị hiện nay, chủ yếu là do tình trạng bê tông hóa, khiến nước mưa phải dồn hết vào hệ thống cống thoát, gây quá tải. Trong khi đó, vấn đề “bức tử”, lấn chiếm, san lấp ao hồ trong quá trình đô thị hóa đã không còn chỗ cho hồ điều hòa, san sẻ bớt nước mưa, giảm áp lực cho hệ thống tiêu thoát. Chỉ cần trong quá trình đô thị, chúng ta đừng lấp ao hồ đi thì cũng đã là thành công để giải quyết vấn nạn ngập lụt, vừa tạo được vấn đề môi trường sinh thái, cảnh quan đô thị…
Bên cạnh đó, cần phải hạn chế tối đa việc bê tông hóa ở đô thị. Ở các nước, từ vỉa hè, sân vườn, họ ít khi bê tông hóa hoàn toàn, mà phải bố trí lát gạch – đá vỉa hè xen kẽ với các không gian đất hở để trồng cỏ, khi có mưa thì nước ngấm một phần xuống đất, chứ không lát gạch kín mít như ở ta, khiến nước mưa buộc phải dồn hết xuống cống.
Xin chưa đề cập đến các giải pháp công trình, hệ thống tiêu thoát, có 2 yếu tố hàng đầu để giảm tải cho thoát nước đô thị, đó phải là hồ chứa điều hòa và không gian để có thể thẩm thấu bớt nước mưa tại chỗ xuống đất.
Xin cảm ơn Giáo sư!
“Cống hóa” sông Tô Lịch là hạ sách!
Gần đây, ý tưởng “hồi sinh” sông Tô Lịch đang được dư luận rất quan tâm, một số thí nghiệm làm sạch bằng công nghệ Nhật Bản cũng đang được triển khai…
Tuy nhiên, một số ý kiến thì cho rằng sông Tô Lịch thực tế từ lâu đã là con sông chết, là “cái cống lớn” mà thôi, vì thế nên chăng cần “cống hóa” sông Tô Lịch. Quan điểm của ông thế nào về vấn đề này?
Cần phải có đánh giá tổng thể, trước khi đưa ra quyết định theo hướng nào đối với sông Tô Lịch. Việc thí nghiệm làm sạch tại sông Tô Lịch bằng công nghệ Nhật, phải khẳng định đây là công nghệ rất tốt để xử lí ô nhiễm nguồn nước, và thực tế đã có kết quả cải thiện tốt tại khu vực thí nghiệm thời gian qua. Tuy nhiên về lâu dài, tôi cho rằng việc áp dụng hình thức xử lí này không phải là giải căn cơ.
Công nghệ này áp dụng đối với các hồ chứa tĩnh thì có lẽ sẽ khả thi hơn.
Tuy nhiên, kể cả hồ chứa tĩnh, thì việc áp dụng công nghệ này cũng cần phải duy trì một cách liên tục, bởi hồ chứa tĩnh nếu không xử lí liên tục thì lại yếm khí, và tái ô nhiễm trở lại. Nhưng nếu xử lí liên tục thì chi phí vận hành lại quá tốn kém.
Trong khi đó, sông Tô Lịch hiện nay không chỉ là “sông chết”, mà hàng ngày lại còn liên tục bị các cống thải đổ vào. Vì thế, để áp dụng công nghệ Nhật Bản như đang thí nghiệm là không khả thi.
Đối với một dòng sông, để đảm bảo môi trường bền vững, thì phải có nguồn nước động, luân chuyển nguồn nước liên tục. Sông thì phải có nước chảy. Để nước tĩnh thì kể cả khi không có nước thải ô nhiễm liên tục đổ vào như sông Tô Lịch hiện nay, bản thân nó đã gây ra ô nhiễm bởi yếm khí.
Hiện nay, Viện Khoa học Thủy lợi cũng đã có đề tài nghiên cứu làm sống lại sông Tô Lịch.
Theo đó, nguyên tắc tốt nhất vẫn là phải tạo ra một hệ môi trường – sinh thái cho dòng sông này, nghĩa là phải có đời sống sinh vật hoạt động ở đó.
Giải pháp căn cơ lâu dài, là tạo ra nguồn nước luân chuyển thường xuyên cho sông Tô Lịch từ nguồn nước sông Hồng. Cùng với sông Tô Lịch, chúng tôi cũng đã nghiên cứu giải pháp lấy nguồn nước từ sông Hồng làm sống lại một số dòng sông trong nội thành, kể cả hệ thống sông Nhuệ, sông Đáy, một số hệ thống thủy nông ven đô thị.
Thời gian tới, chúng tôi sẽ sớm báo cáo Bộ NN-PTNT và UBND TP. Hà Nội xem xét về các nghiên cứu này.
Về giải pháp “cống hóa” sông Tô Lịch, tôi cho rằng đây chỉ là “hạ sách”, là giải pháp bế tắc cuối cùng. Bởi việc làm sống lại một con sông không chỉ giải quyết vấn đề môi trường, không khí, cảnh quan, tiêu thoát nước… mà còn là không gian văn hóa.
(GS.TS Trần Đình Hòa)
phát triển, sông Tô Lịch, tài nguyên nước