Biến đổi khí hậu gây ra hiện tượng băng tan nhanh một cách bất thường
Các báo cáo thường niên cho thấy dù nhiệt độ nước biển có chiều hướng giảm nhẹ thì tốc độ và cường độ nóng lên của Bắc Cực vẫn không hề suy giảm.
Nhiệt độ ở các vùng của Bắc Cực gần đây đã tăng cao một cách bất thường (Ảnh: Ralph Lee Hopkins)
Cục Quản lý Đại dương và Khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA) đều đã tiến hành lập báo cáo về Bắc Cực để theo dõi sự biến đổi khí hậu toàn cầu. Năm nay, với sự tham gia của 85 nhà khoa học, bản báo cáo đã gây nên một cơn sốt dư luận khi chỉ ra rằng, Bắc Cực đang có nguy cơ trở thành một lục địa bình thường. Theo đó, nước biển Bắc Cực đang nóng dần lên và các lớp băng cũng đang tan chảy với tốc độ nhanh nhất trong vòng 1500 năm qua.
Mặc dù mùa đông ở Bắc Cực kéo cho đến tận tháng Ba, nhưng các luồng khí nóng đã đẩy nhiệt độ tại Siberia lên tới 35 độ C-mức cao nhất trong lịch sử. Greenland cũng đã có tới 61 tiếng đồng hồ với nhiệt độ cao kỷ lục trong năm nay.
Ghi nhận vào tháng 8/2017, riêng ở vùng biển Barents và Chukchi, nhiệt độ cao hơn trung bình 4 độ C, làm trì hoãn sự đóng băng thường niên ở các khu vực này. Vì thế, lượng băng trên biển đang ở mức thấp nhất từ trước đến nay. Đây là năm thứ ba liên tiếp mức độ phục hồi băng biển vào mùa đông xuống thấp hơn hẳn so với dự đoán. Riêng trong năm 2017, lớp băng vĩnh cửu chỉ còn lại 21% tổng số băng tại Bắc Cực, thấp hơn nhiều so với mức 45% vào năm 1985.
Hiện tượng băng tan chảy trên sông Chilkat gần Haines, Alaska vào mùa đông (Ảnh: Michele Cornelius)
Các nhà khoa học cảnh báo, với tình trạng này, không có dấu hiệu cho thấy khí hậu tại cực Bắc sẽ trở về thời kỳ băng giá hoàn toàn như nhiều thập kỷ trước được nữa. Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Bắc Cực của NOAA, Jeremy Mathis, người cùng tham gia báo cáo trên, cảnh báo, diễn biến tại Bắc Cực sẽ khiến mực nước biển dâng lên mức đáng báo động.
Ông Mathis nhận định, những thay đổi về khí hậu tại Bắc Cực không chỉ giới hạn tại khu vực này mà còn xảy ra trên khắp thế giới, tác động đến cuộc sống của con người. Cụ thể, hàng loạt cơn bão tuyết bất thường hay những đợt hạn hán nghiêm trọng xảy ra nhiều hơn ở miền Tây nước Mỹ và những cơn bão thường xuyên đổ bộ dọc khu vực duyên hải Vịnh Mexico đều là kết quả của tình trạng băng tan ở Bắc Cực.
Ngoài ra, việc giảm nguồn cung cá ảnh hưởng trực tiếp đến ngư dân, tàu thuyền và đời sống các sinh vật trong khu vực. Con người sẽ phải chi nhiều tiền hơn cho thực phẩm, đối mặt với thời tiết cực đoan nhiều hơn do sự nóng lên trong "chiếc tủ lạnh của hành tinh".
Băng từ Bắc Cực tan trôi nổi trên biển ngoài khơi nước Nga (Ảnh: BBC)
=> "Nóc nhà" cao nhất Thụy Điển đối mặt nguy cơ tụt hạng vì băng tan
Video liên quan:
Những hình ảnh chứng minh sự nghiêm trọng của việc băng tan nhanh chóng tại Bắc Cực (Nguồn: National Geographic)