Ngược với mọi năm, năm nay, tại nhiều cửa hàng kinh doanh bia, rượu, giá các loại bia đã giảm từ 5.000-20.000 đồng/thùng, lượng tiêu thụ cũng có phần chậm hơn.
Cụ thể, bia Hà Nội (Habeco) còn 230.000 đồng/thùng/24 lon, bia 333 còn 235.000 đồng/thùng/24 lon, Heineken còn 400.000 đồng/thùng/24 lon, Sài gòn Lager còn 240.000 đồng/thùng, Trúc Bạch 360.000 đồng/thùng...
Không chỉ những dòng bia nội địa mà bia nhập khẩu cũng trong tình trạng tương tự. Nhiều cửa hàng phải giảm giá để thu hút khách. Ví dụ, bia Budweiser (5%) chai nhôm 355ml giảm giá 2% (từ 920.000 đồng/thùng/24 lon giảm còn 900.000 đồng/thùng/24 lon), thậm chí bia Gấu Wheat Imforted (5%) giảm đến 29% (từ 1,197 triệu còn 850 nghìn đồng)...
Một số đại lý bia tại Hà Nội cho biết, giá bia bán lẻ hiện đã giảm bình quân 5.000 - 10.000 đồng/thùng, lý do Tết đã gần mà sức mua thấp. Đặc biệt năm nay các đại lý nhỏ và nhà bán lẻ cấp dưới đặt hàng mua bia rất thấp so với nhiều năm và đây là nguyên nhân có thế kéo giá bia xuống thấp trong những ngày tới.
Một chủ cửa hàng kinh doanh bia rượu tại Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội cho biết, có thể lý do khiến lượng tiêu thụ bia năm nay chậm hơn mọi năm xuất phát từ Nghị định 100 về phòng, chống tác hại rượu bia của Chính phủ mới ban hành. Người dân vì lo mức phạt nặng nên cũng hạn chế việc sử dụng các loại đồ uống có cồn.
Tuy nhiên, một chủ cửa hàng khác lại cho rằng lý do việc tiêu thụ sản phẩm bia, rượu chậm không hoàn toàn xuất phát từ Nghị định 100, mà còn xuất phát từ việc năm nay, thị trường quà biếu đa dạng, bia ngoại phổ biến nên những sản phẩm bia trong nước có phần bị ảnh hưởng.
Theo Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam, trong năm 2018, thị trường Việt Nam tiêu thụ hơn 4,67 tỉ lít bia các loại, tốc độ tăng trưởng đạt 7% so với cùng kỳ. Dự báo đến năm 2020, sản lượng bia toàn ngành vẫn giữ ở mức 4 - 4,25 tỉ lít/năm, đến 2035 sản lượng sản xuất đạt khoảng 5,5 tỉ lít bia. Sản lượng bia tiêu thụ này đưa Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á và xếp thứ 3 của Châu Á.
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng chỉ số tăng trưởng mặt hàng bia ở Việt Nam sẽ thay đổi trong thời gian tới do Chính phủ ngày càng quản lý chặt việc sử dụng rượu bia, chí ít là Nghị định 100 đã tác động lớn đến nhu cầu dùng bia trên thị trường.
Bộ phận Phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) cũng vừa công bố báo cáo cập nhật ngành bia với tiêu đề “Tăng trưởng hai chữ số giảm nhưng định giá cao”.
Theo đó, SSI Research đã đề cập đến những ảnh hưởng của sản lượng ngành bia sau khi Luật phòng chống tác hại của rượu bia có hiệu lực từ ngày 1.1.2020.
SSI cho biết, các biện pháp giảm tiêu thụ rượu bia bao gồm: cấm quảng cáo trong các sự kiện và trên các phương tiện truyền thông trong khung thời gian cụ thể; cấm bán hàng tại các địa điểm công cộng cụ thể như bệnh viện và trường học; cấm bán cho người dưới 18 tuổi và cấm lái xe sau khi uống rượu bia.
Ngoài ra, Chính phủ cũng sẽ gia tăng các chương trình giáo dục cộng đồng để giáo dục cho người tiêu dùng về tác động tiêu cực của việc uống quá nhiều đồ uống có cồn đối với cuộc sống hàng ngày của người dân.
Trong khi điều này sẽ tác động đến sản lượng tiêu thụ của toàn ngành, các thương hiệu nhỏ sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn các thương hiệu lớn, SSI nhận định.
Bộ phận Phân tích Chứng khoán SSI cho biết, thực tế năm 2019, ngành bia giảm 12,6% trong năm 2019, thấp hơn so với tăng trưởng của VN-Index, chủ yếu là do SAB giảm 14,3%.
Theo đó, SSI khuyến nghị giảm tỷ trọng ngành vào đầu năm 2019, vì dự đoán định giá của ngành sẽ giảm.
Cũng theo SSI, do ảnh hưởng của luật về việc phòng chống tác hại của rượu bia, tăng trưởng sản lượng bia trong năm 2020 sẽ không đạt được mức 2 con số. SSI dự báo tốc độ tăng trưởng sẽ ổn định ở mức 6-7% trong năm 2020.
Theo Quyết định 1092/QĐ-TTg phê duyệt chương trình sức khỏe Việt Nam, SSI ước tính mức tiêu thụ đặc biệt có thể tăng hơn nữa từ mức hiện tại là 65%. Tuy nhiên, hiện tại không có cuộc thảo luận nào liên quan đến ngày cụ thể mà quyết định có thể thực hiện trong tương lai gần.
Lam Thanh