Gần 3 tuổi mới biết nói, rồi đọc luôn tiếng Việt, tiếng Anh
Căn nhà nhỏ của vợ chồng ông Nguyễn Văn Non (Tư Non) nằm cuối 1 con đường nông thôn nhỏ hẹp rất khó đi ở ấp Phước Tân, xã Tam Phước (H.Châu Thành, tỉnh Bến Tre). Hơn 2 tháng qua, nhà ông Tư Non bỗng nổi tiếng, có nhiều khách đến thăm vì tò mò muốn nhìn thấy tận mắt và nghe tận tai đứa cháu ngoại của ông Tư là bé Trần Tuấn Khang (31 tháng tuổi) chưa 1 lần đến trường nhưng đọc trôi chảy tiếng Việt, tiếng Anh.
Khi chúng tôi đến, cháu Khang đang ở nhà với bà ngoại, bà Huỳnh Thị Tuyết Nga. Thấy khách lạ nhưng cháu Khang không hề e sợ, miệng nói: “Chào ông” và lập tức mân mê mấy cây bút của chúng tôi, luôn miệng nói: “Bút bi, bút bi”. Bà Nga kể, mẹ cháu Khang là chị Nguyễn Kiều Diễm (SN 1990) đang làm công nhân ở khu công nghiệp Giao Long (H.Châu Thành) cách nhà hơn chục cây số.
“Mẹ cháu Khang làm công nhân, sáng đi làm lúc cháu ngủ chưa dậy, tối về nhiều khi cháu đã đi ngủ, nên chỉ chăm sóc con những ngày nghỉ. Còn ông Tư Non chồng tui suốt ngày đi bán vé số, nên ở nhà chỉ có 2 bà cháu hủ hỉ với nhau”, bà Nga cho biết. Theo bà Nga, do vợ chồng lục đục nên chị Diễm ẵm cháu Khang về sống với cha mẹ lúc cháu mới được 4 tháng tuổi, đến khi cháu được 1 tuổi thì chị Diễm ly hôn.
Bà Nga và cháu Khang - Ảnh: Thanh Anh
“Vợ chồng tui có 3 đứa con, nhưng chỉ mới có cháu Khang là đứa cháu duy nhất. Cháu Khang từ lúc sinh ra đến nay phát triển cơ thể, trí não bình thường như những đưa trẻ khác, rất hiếu động, lanh lợi. Điều khiến gia đình lo lắng là đến hơn 2 tuổi bé Khang vẫn không biết nói, nhưng rất thích xem ti vi và xem những tờ giấy, tờ báo có hình, có chữ. Điều kỳ lạ là rất nhiều lần vợ chồng tui và mẹ cháu thử đưa cho cháu tờ giấy có chữ nhưng lộn ngược, cháu lập tức xoay lại cho đúng rồi ngồi im lặng xem, khiến cả nhà đều ngạc nhiên”, bà Nga kể.
Mãi đến lúc 27 tháng tuổi, cháu Khang mới bật nói bập bẹ được 1-2 từ, nhưng giọng đớt đát, không rõ ràng, dù vậy cả nhà bà Nga ai cũng mừng. 4 tháng trước, trong lúc cả nhà bà Nga đang ngồi xem ti vi thì bất ngờ thấy cháu Khang chăm chú nhìn vào màn hình và đọc rất nhanh các dòng chữ trên ti vi, không sai chữ nào. Chẳng những đọc được tiếng Việt mà những chữ bằng tiếng Anh cháu Khang vẫn… đọc tuốt luốt, không hề va vấp.
“Lúc đó cả nhà tui ai cũng ngạc nhiên, không dám tin vì hàng ngày cháu Khang nói chuyện còn chưa rành. Nhiều lần tui và mẹ cháu thử lấy giấy, viết ra những chữ bất kỳ, cháu đều đọc được hết, dù không hiểu nghĩa, đọc rất nhanh mà không cần đánh vần từng chữ. Trong nhà có những vật dụng gì ghi chữ bằng tiếng Anh, cháu cũng đọc được hết, nên gia đình tui cũng không biết giải thích thế nào”, bà Nga kể.
Ông Huỳnh Quang Giàu (Sáu Giàu, 63 tuổi, hàng xóm của bà Nga), cho biết: “Khi hàng xóm nghe sự việc, không ai tin nên kéo đến thử tài cháu Khang. Ai viết chữ gì bằng tiếng Việt hay tiếng Anh cháu đều đọc được hết, nên mọi người đều cho đây là chuyện rất kỳ lạ.
Ngoài việc thích đọc chữ trên những tờ giấy có chữ, trên ti vi, bé Khang còn nhớ khoảng 30 quốc kỳ các nước, đọc tên từng nước bằng tiếng Việt và tiếng Anh rất rõ ràng, chính xác. Đặc biệt, cháu có 1 sở thích kỳ lạ là phải đọc được… biển số xe của những người khách đến nhà ông bà Tư Non, không cho đọc thì cháu giận dỗi và đọc được đến số 100”.
Theo ông Sáu Giàu, có những lúc cháu Khang nói những từ tiếng Anh mà không ai biết ý nghĩa là gì, nên cháu tỏ ý giận dỗi, cứ nhắc đi nhắc lại. Đến khi mẹ cháu phải lấy điện thoại tra cứu trên Google để tìm hiểu ý nghĩa của từ đó, nói cho cháu biết thì cháu mới vui vẻ trở lại.
Chúng tôi hỏi bà Nga hàng ngày có ai chỉ dẫn, dạy cháu Khang đọc chữ hay không, bà cười, nói: “Vợ chồng tui nông dân chính gốc, ít học, tiếng Việt còn chưa rành hết, tiếng Anh thì mù tịt, lấy gì để chỉ dạy cho cháu? Còn mẹ cháu Khang tuy học hết cấp 3 nhưng tối ngày đi làm công nhân, sáng nào cũng đi từ tờ mờ sáng, tăng ca liên tục đến tối mịt mới về, có thời gian đâu mà chỉ với dạy cho con đọc chữ ?”.
Chúng tôi quyết định thử tài cháu Khang bằng cách đưa Thẻ Nhà báo và giấy CMND là 2 món cháu chưa từng nhìn thấy bao giờ. Chẳng ngờ cháu Khang cầm xem rất nhanh, không cần suy nghĩ đọc vanh vách từng dòng chữ và các con số trên 2 tấm thẻ, kể cả những chữ bằng tiếng Anh, rất chính xác.
Khi chúng tôi đưa cho cháu 1 tờ báo số mới phát hành, cháu ngồi bệt xuống đất, trải tờ báo ra, lật từng trang và đọc rất rõ ràng, chính xác tiêu đề từng bài viết, khiến ai nấy đều trầm trồ thán phục. Được sự đồng ý của bà Nga, chúng tôi tặng cho cháu Khang tiền mua sữa uống. Cầm mấy tờ tiền giống nhau trên tay, cháu chỉ nhìn lướt qua 1 tờ, đọc rất nhanh: “Một trăm ngàn đồng” rồi đưa cho bà ngoại.
Mong muốn được cho cháu Khang đi học để phát triển hơn
Theo ông Sáu Giàu, việc bé Khang nói chưa rành nhưng đọc trôi chảy tiếng Việt và tiếng Anh, có trí nhớ rất tốt, là chuyện hết sức kỳ lạ ở vùng quê nghèo Tam Phước. Chính vì vậy mà người dân ấp Phước Tân ai cũng mong muốn cháu Khang sẽ được vào học ở 1 trường năng khiếu nào đó để cháu có thể phát huy tài năng thiên phú của mình.
Ngoài việc biết đọc tiếng Việt và tiếng Anh, cháu Khang còn nhớ rõ khoảng 30 quốc kỳ của các quốc gia trên thế giới - Ảnh: Thanh Anh
“Nhưng trước mắt gia đình ông Tư Non phải tạo điều kiện cho cháu Khang được đi học mẫu giáo, rồi vào lớp 1 để làm quen với việc học hành, biết viết chữ, hiểu nghĩa những từ mình đọc, mình viết. Chứ hiện nay cháu chỉ sống quanh quẩn với ông bà ngoại, vui chơi 1 mình, không được chơi đùa với trẻ cùng tuổi vì hàng xóm chẳng có đứa trẻ nào cùng trang lứa, như vậy sẽ thiệt thòi cho cháu”, ông Sáu Giàu nói.
Trong khi đó bà Nga cho hay gia đình cũng muốn cho cháu Khang đến trường, nhưng mẹ cháu nói cháu còn nhỏ quá, đợi đến 4-5 tuổi sẽ cho đi học. “Mẹ cháu làm công nhân lương chỉ có khoảng 5 triệu đồng/tháng, chỉ đủ lo tiền mua sữa cho con uống. Hiện tại nhà tui chỉ có 2 công vườn dừa mới cho thu hoạch, thu nhập mỗi tháng chẳng bao nhiêu, ông chồng tui đi bán vé số mỗi ngày khoảng 100 tờ, kiếm được 100.000 đồng, chỉ đủ cho cả nhà đắp đỗi sống qua ngày”, bà Nga kể.
Hỏi bà Nga lâu nay cha cháu Khang có thăm viếng, phụ giúp chăm sóc, nuôi nấng cháu hay không, bà Nga cười buồn, đáp: “Không có đâu mấy chú à. Từ khi cháu Khang về sống ở đây với vợ chồng tui, cha nó chưa 1 lần tới thăm thằng bé, dù gia đình tui không hề cấm cản”.
Lúc chúng tôi xin phép ra về, cháu Khang nằng nặc đòi bà Nga phải dẫn cháu ra sân để… đọc cho bằng được biển số xe của chúng tôi. Biển số chiếc xe lạ hoắc, cháu Khang chưa từng nhìn thấy bao giờ, nhưng đọc rành mạch, chính xác từng con số, từng chữ trên tấm biển. Đọc xong biển số xe, cháu Khang lễ phép nói: “Chào ông, tạm biệt, hẹn gặp lại”, và ngay sau đó nói liền 1 câu tiếng Anh rất rõ ràng, chính xác: “Goodbye! See you again !”, khiến mọi người đều tròn mắt, cười xòa thú vị.
Thanh Anh