Ảnh minh họa
Bảo vệ môi trường khi nạo vét
Theo quy định mới, hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển, vùng nước đường thủy nội địa phải tuân thủ nguyên tắc nhằm bảo đảm thông số kỹ thuật luồng, an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa, phòng ngừa ô nhiễm môi trường, phòng chống sạt lở, bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, hành lang bảo vệ nguồn nước, bảo đảm an toàn hệ thống công trình đê điều, thủy lợi, kết cấu hạ tầng hàng hải, đường thủy nội địa và các công trình khác, tránh lãng phí, thất thoát tài nguyên thiên nhiên của đất nước.
Đồng thời, không thực hiện các hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển, vùng nước đường thủy nội địa gây cản trở hoạt động tránh, trú của tàu thuyền vào mùa lũ bão, trong thời gian xảy ra thiên tai.
Với chủ đầu tư, nhà đầu tư dự án nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa thì chịu trách nhiệm tổ chức giám sát công tác thi công, đổ chất nạo vét trong suốt thời gian từ khi bắt đầu đến khi kết thúc hoạt động nạo vét. Phải giám sát chặt chẽ hành trình của các phương tiện, thiết bị vận chuyển, hoạt động nhận chìm chất nạo vét ở biển, hoạt động đổ chất nạo vét vào khu vực, địa điểm được cơ quan có thẩm quyền cấp phép phê duyệt hoặc chấp thuận…
Nghị định cũng yêu cầu hoạt động bảo vệ môi trường của các dự án, công trình nạo vét liên quan đến kết cấu hạ tầng hàng hải, kết cấu hạ tầng đường thuỷ nội địa trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa thực hiện theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
Quản lý chất nạo vét tránh gây ô nhiễm
Trường hợp chất nạo vét đổ vào khu vực, địa điểm trên bờ được UBND tỉnh chấp thuận, chủ đầu tư dự án, công trình, tổ chức, cá nhân tiếp nhận chất nạo vét không phải thực hiện theo quy định của pháp luật về tài nguyên, khoáng sản. Sau khi kết thúc dự án, công trình chủ đầu tư có trách nhiệm bàn giao lại khu vực, địa điểm tiếp nhận chất nạo vét cho UBND tỉnh hoặc tổ chức, cá nhân được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cho phép tiếp nhận để quản lý và có biện pháp lưu giữ hoặc xử lý chất nạo vét đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Trường hợp bàn giao cho tổ chức, cá nhân, chủ đầu tư báo cáo cho UBND tỉnh biết để quản lý theo quy định.
Trường hợp chất nạo vét nhận chìm ở biển, sau khi hết thời gian nhận chìm chất nạo vét, chủ đầu tư có trách nhiệm gửi báo cáo kết quả thực hiện nhận chìm, quan trắc, giám sát môi trường của dự án tới cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép nhận chìm ở biển và giao khu vực biển.
Cũng theo Nghị định 57/2024/NĐ-CP, căn cứ danh mục khu vực, địa điểm tiếp nhận chất nạo vét trên bờ, nhận chìm chất nạo vét ở biển do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công bố, chủ đầu tư gửi văn bản đề nghị trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến đến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để được chấp thuận khu vực, địa điểm tiếp nhận chất nạo vét cho dự án, công trình. Trường hợp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chưa công bố danh mục hoặc khu vực, địa điểm tiếp nhận chất nạo vét trên bờ, nhận chìm ở biển đã được công bố không bảo đảm yếu tố kinh tế, kỹ thuật của dự án, công trình, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chấp thuận khu vực, địa điểm tiếp nhận chất nạo vét trên bờ, nhận chìm ở biển trên cơ sở đề nghị của chủ đầu tư.
Trong thời gian 30 ngày, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải có văn bản trả lời về việc chấp thuận khu vực, địa điểm tiếp nhận chất nạo vét trên bờ, nhận chìm ở biển phù hợp cho chủ đầu tư dự án, công trình; trường hợp không chấp thuận phải có văn bản trả lời nêu rõ lý do.