Đầu những năm 1930, các nhà nhân chủng học người Hà Lan đã tìm thấy một cái hầm chứa bộ xương khổng lồ ẩn bên trên bờ sông Solo, đảo Java, Indonesia.
Hơn 25.000 mẫu vật hóa thạch đã bị chôn vùi trong bùn sông ở một khu vực được gọi là Ngandong, bao gồm 12 hộp sọ và hai xương chân từ một tổ tiên đặc biệt của con người: Homo erectus.
Loài người đầu tiên này tồn tại gần 2 triệu năm và lan rộng khắp các vùng của châu Phi và châu Á. Nhưng các nhà khoa học vẫn không thể xác định được khoảng thời gian cuối cùng họ chết.
Những nỗ lực để xác định tuổi chính xác của hóa thạch H. erectus không giúp được gì nhiều, vì nó đưa ra một loạt các lựa chọn: Thời gian chết của họ được ước tính là khoảng từ 550.000 đến 27.000 năm trước.
Nhưng một nghiên cứu được công bố mới đây trên tạp chí Nature đã lý giải số phận của H. erectus cuối cùng.
Bằng việc bắt đầu khảo cứu với trầm tích sông xung quanh, chứ không phải là hóa thạch, các nhà nhân chủng học đã có thể xác định độ tuổi chặt chẽ hơn nhiều cho những hộp sọ này. Kết quả cho thấy, các cá thể H. erectus đã bị chết hàng loạt từ 117.000 đến 108.000 năm trước.
Điều đó có nghĩa là những hóa thạch xương đại diện cho sự xuất hiện cuối cùng của H. erectus trong hồ sơ khảo cổ học.
"Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, Homo erectus không tồn tại đủ lâu để tương tác với người hiện đại trên đảo Java", Russell Ciochon, đồng tác giả của nghiên cứu cho biết.
Việc các xương bị cuốn xuống dòng chảy cùng một lúc cho thấy cái chết 12 cá thể H. erectus đến đồng thời và có thể là một cái chết hàng loạt.
Russell Ciochon cho biết, nhóm của ông không chắc chắn những cá thể này đã chết như thế nào, nhưng một giả thuyết về lý do tại sao H. erectus chết trên đảo Java nhìn chung có vẻ quen thuộc: Do biến đổi khí hậu.