(HNM) - Ngày 27-8, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Hà Nội (Liên hiệp Hội) phối hợp với Trường Đại học Xây dựng và Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID) tổ chức hội thảo “Chất lượng không khí Hà Nội: Thực trạng và định hướng giải pháp”.
Hội thảo đã nghe các nhà khoa học trình bày một số nghiên cứu về chất lượng không khí Hà Nội, tình trạng bụi siêu mịn tại khu vực nhà ở, tình hình phát thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ tại Hà Nội…
Thông tin từ hội thảo cho biết, bụi PM2.5 (bụi siêu mịn) đóng góp cao nhất vào mức độ ô nhiễm không khí với nồng độ trung bình là 40,1 microgam/m3, vượt khoảng 1,5 lần quy chuẩn Việt Nam. Trong đó, 40% lượng bụi PM2.5 đến từ hoạt động giao thông. Một số trạm đo như Minh Khai, Phạm Văn Đồng, Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, Nguyễn Văn Cừ ghi nhận có nhiều ngày nồng độ bụi PM2.5 vượt quy chuẩn Việt Nam (25-35% số ngày trong năm). Mùa đông có mức độ ô nhiễm cao hơn mùa hè khá lớn.
Tại hội thảo, các nhà khoa học cho rằng, để có được kết quả toàn diện về chất lượng không khí tại Hà Nội, cần có thêm nhiều nghiên cứu, triển khai thêm các trạm đo với thời gian đo nhiều hơn. Các ý kiến đề xuất tập trung vào việc: Kiểm soát các nguồn phát thải lớn như xi măng, nhiệt điện, thép…; tăng cường sử dụng phương tiện công cộng, chuyển đổi nhiên liệu cho phương tiện giao thông, thắt chặt tiêu chuẩn phát thải, phân loại rác tại gia đình, hạn chế phương tiện giao thông cá nhân vào vùng nội thành… Các đại biểu cũng đề cập tới các giải pháp mang tính vĩ mô như đánh giá tác động tới môi trường của các nguồn thải khác nhau, ban hành chính sách riêng về bảo vệ môi trường không khí, thành lập cơ quan điều phối về lĩnh vực môi trường để có tiếng nói và định hướng chung.