Các nội dung kiểm tra về chất thải y tế của TP.Huế tập trung vào quy trình thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại nhằm phát hiện kịp thời các sai phạm, từ đó có biện pháp chấn chỉnh, xử lý nghiêm. Hoạt động này không chỉ góp phần nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của các cơ sở y tế mà còn đảm bảo an toàn môi trường, và giảm thiểu nguy cơ phát tán mầm bệnh nguy hiểm ra bên ngoài.
Theo Sở Y tế TP Huế, hiện nay, thành phố có 8 bệnh viện đa khoa/chuyên khoa, 9 Trung tâm y tế quận, huyện, thị xã; 1 phòng bảo vệ sức khỏe cán bộ; 5 phòng khám đa khoa khu vực và 133 trạm y tế xã, phường, thị trấn trực thuộc Sở Y tế. Ngoài ra, trên địa bàn còn có 3 bệnh viện bộ, ngành; 1 bệnh xá công an; 2 bệnh viện, 16 phòng khám đa khoa và hơn 500 phòng khám chuyên khoa ngoài công lập.
Năm 2024, tổng khối lượng chất thải y tế lây nhiễm tại các cơ sở trực thuộc Sở Y tế TP Huế là 22.349 kg, chất thải nguy hại không lây nhiễm là 490 kg. Với số lượng cơ sở y tế lớn, lượng chất thải y tế phát sinh là rất lớn.
Lãnh đạo Sở Y tế TP Huế cho biết, nhằm triển khai hiệu quả công tác bảo vệ môi trường, nhất là quản lý chất thải rắn y tế, Sở đã chỉ đạo các cơ sở y tế tăng cường thu gom, phân loại và xử lý rác thải theo đúng quy định. Trong đó, yêu cầu các đơn vị phải phân loại rác thải ngay tại từng khoa/phòng, chia rõ rác thải thông thường, rác thải lây nhiễm, rác thải không lây nhiễm và rác thải tái chế để tiến hành thu gom.
Nhân viên vệ sinh phân loại rác thải y tế tại cơ sở y tế thuộc TP.Huế. (Ảnh: SKĐS).
Hiện các cơ sở y tế đã bố trí bao bì, dụng cụ, thiết bị lưu chứa chất thải rắn y tế để phục vụ thu gom, phân loại và lưu trữ đảm bảo theo quy định tại Thông tư số 20/2021/TT-BYT. Tất cả phòng khám, trung tâm y tế, bệnh viện đều đã ký hợp đồng với Công ty Môi trường và Công trình đô thị Huế (HEPCO) để vận chuyển và xử lý chất thải rắn y tế không nguy hại và nguy hại theo quy định.
Tại các trạm y tế đã thực hiện vận chuyển chất thải y tế nguy hại lên xử lý tại các Trung tâm y tế bằng các phương tiện, thiết bị theo quy định về quản lý chất thải nguy hại. Sau đó, Trung tâm y tế hợp đồng với HEPCO để vận chuyển và xử lý theo quy định. Sở Y tế thường xuyên lồng ghép công tác quản lý chất thải y tế vào các buổi giao ban định kỳ hằng tháng, hằng quý của ngành.
Đồng thời, đã tổ chức định kỳ giao ban chuyên đề về công tác điều dưỡng và kiểm soát nhiễm khuẩn, quản lý chất thải y tế 1 năm/lần. Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về quản lý chất thải y tế được Sở Y tế chú trọng và giao cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố là đơn vị đầu mối kiểm tra, giám sát và hướng dẫn cụ thể cho các đơn vị tuyến dưới.
Trong các hoạt động thanh kiểm tra các đơn vị y tế, Sở cũng đã lồng ghép đánh giá công tác quản lý chất thải và hướng dẫn trực tiếp từng đơn vị về quản lý chất thải theo Thông tư số 20/2021/TT-BYT. Ngoài ra, Sở thường xuyên phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường để thực hiện các đợt kiểm tra, giám sát và tổ chức giao ban chuyên đề về tuân thủ các quy định quản lý chất thải y tế trong khuôn viên cơ sở y tế.
Cùng với đó, trong bối cảnh chuyển đổi số, TP.Huế đã ứng dụng số hoá trong quản lý rác thải y tế.
Lãnh đạo Trung tâm y tế thị xã Hương Thủy (sau sắp xếp đơn vị hành chính, thị xã Hương Thuỷ gồm 3 phường, cụ thể nhập 3 đơn vị xã Thủy Thanh và phường: Thủy Dương, Thủy Phương để thành lập phường Thanh Thủy. Nhập 3 đơn vị phường: Thủy Lương, Thủy Châu và xã Thủy Tân để thành lập phường Hương Thủy.
Nhập 4 đơn vị phường Phú Bài và xã: Thủy Phù, Dương Hòa, Phú Sơn để thành lập phường Phú Bài) cho rằng, chất thải y tế có nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe và môi trường nếu không được xử lý đảm bảo các quy định.
Hằng năm, đơn vị đón tiếp hơn 100.000 người khám bệnh và luôn triển khai thực hiện tốt công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, đặc biệt chú trọng đến công tác quản lý chất thải y tế.
Đơn vị đã có hệ thống thu gom, xử lý nước thải y tế bằng công nghệ AAO của Nhật Bản, công suất 150 m3/ngày; xây dựng nhà lưu giữ chất thải y tế theo đúng quy định. Trung tâm thực hiện phân loại chất thải y tế ngay tại nơi phát sinh chất thải, bố trí bao bì, thùng đạp chân đựng chất thải rắn y tế tại ví trị phân loại của các khoa, phòng, trạm y tế đúng các màu theo quy định.
Phân loại rác thải y tế giúp hạn chế lây nhiễm môi trường và ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng.
Hộ lý sẽ thu gom chất thải hằng ngày. Các chất thải lây nhiễm, chất thải nguy hại và chất thải y tế thông thường đều được hợp đồng với các đơn vị để vận chuyển và xử lý. Mặt khác, hằng năm đều tổ chức đào tạo tập huấn cho các bác sỹ, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên và hộ lý, cán bộ chuyên trách về công tác quản lý chất thải rắn y tế…
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Huế, trong thời gian qua, thành phố đã và đang triển khai đầu tư nâng cấp các hệ thống thu gom và xử lý nước thải y tế ở các bệnh viện và trung tâm y tế cấp huyện. Các hệ thống thu gom và xử lý nước thải được đầu tư, nâng cấp, duy trì thường xuyên nhằm đảm bảo xả thải đạt cột A quy chuẩn kỹ thuật theo chủ trương nâng cao chất lượng môi trường trên địa bàn thành phố.
Sở thường xuyên thực hiện việc theo dõi, giám sát công tác bảo vệ môi trường tại các cơ sở y tế, bệnh viện. Qua công tác theo dõi, giám sát, Sở đã hướng dẫn các cơ sở y tế thực hiện phân loại, lưu giữ và xử lý chất thải y tế đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020, bố trí khu vực lưu giữ đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, đồng thời vận hành hệ thống xử lý nước thải. Thời gian tiếp theo, Sở tiếp tục phối hợp với Sở Y tế và các cơ quan liên quan tham mưu UBND thành phố quy định thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn.
Lãnh đạo Sở Y tế TP Huế thông tin thêm, hiện nay, việc theo dõi, giám sát từ khâu phát sinh đến thu gom, lưu giữ và xử lý chất thải vẫn phải thực hiện bằng sổ sách, chưa có phần mềm để quản lý. Đây là một trong những khó khăn về công tác quản lý chất thải y tế của TP Huế. Một vấn đề khác là thời gian lưu giữ, vận chuyển chất thải y tế từ trạm y tế đến Trung tâm y tế gặp nhiều khó khăn do một số cơ sở y tế ở xa, lượng chất thải y tế phát sinh ít.
Việc đẩy mạnh thanh tra, xử lý vi phạm trong quản lý chất thải y tế tại TP Huế thể hiện quyết tâm của chính quyền trong bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng. Thông qua các đợt kiểm tra nghiêm ngặt cũng như ứng dụng công nghệ cao trong quản lý chất thải, các cơ sở y tế buộc phải nâng cao ý thức, tuân thủ đầy đủ quy định pháp luật về chất thải nguy hại. Đây là bước đi cần thiết nhằm xây dựng hệ thống y tế an toàn, thân thiện với môi trường, đồng thời ngăn ngừa nguy cơ ô nhiễm và lây lan dịch bệnh từ nguồn thải y tế nếu không được quản lý đúng cách.
Thuỳ Giang
Nguồn thiennhienmoitruong.vn
Link bài gốchttps://thiennhienmoitruong.vn/tp-hue-day-manh-thanh-tra-xu-ly-vi-pham-lien-quan-den-chat-thai-y-te.html