Từ việc hàng nghìn tấn rác ùn ứ tại huyện Tiên Lãng
Nhà máy xử lý rác thải của Công ty CP Thương mại du lịch Thành Vinh (gọi là Công ty Thành Vinh) có quy mô khoảng 1 ha, nằm giữa các ruộng lúa, ruộng nuôi rươi, tôm ở địa bàn xã Kiến Thiết (huyện Tiên Lãng).
Nhà máy xử lý rác của Công ty Thành Vinh nằm giữa các ruộng lúa và ruộng nuôi rươi, tôm ở địa bàn xã Kiến Thiết. Ảnh: VTV
Theo báo cáo của huyện Tiên Lãng, sau khi huyện đóng cửa bãi rác thị trấn Tiên Lãng thì từ tháng 4/2021, toàn bộ rác thải sinh hoạt tại thị trấn này và các xã Bạch Đằng, Toàn Thắng, một phần xã Tiên Minh được Công ty Thành Vinh thu gom, vận chuyển về bãi rác xã Kiến Thiết để xử lý.
Từ khi vận hành cho đến hết năm 2022, dây chuyền xử lý rác thải của nhà máy vẫn hoạt động ổn định, không bị ùn ứ rác thải. Nhưng đến đầu năm 2023, do xảy ra lỗi kỹ thuật nên dây chuyền xử lý rác phải tạm dừng. Trong thời gian chờ sửa chữa, nâng cấp thì lượng rác thu gom về chỉ được công ty ủ men vi sinh mà không được xử lý, dẫn tới ùn ứ.
Đến thời điểm hiện tại, lượng rác ùn ứ tại khu vực này đã lên tới hàng nghìn tấn. Rác cũ chưa xử lý xong, hàng tấn rác mới đã đổ về với đủ loại rác từ nilon cho đến các loại rác thải sinh hoạt. Theo phản ánh của người dân địa phương, bãi rác tồn đọng bốc mùi hôi thối nồng nặc, ruồi nhặng dày đặc, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân.
Rác thải ùn ứ lên tới hàng nghìn tấn tại nhà máy xử lý rác thải của Công ty Thành Vinh. Ảnh: Lao Động
Nói về nguyên nhân gây ùn ứ số lượng lớn rác thải tại đây, chính quyền địa phương cho biết do năng lực yếu kém của Công ty Thành Vinh. Trước đó, công ty này cam kết trong quý I/2024 sẽ xử lý xong số rác tồn đọng. Nhưng khi đã quá thời gian kể trên, công ty xin gia hạn đến hết tháng 6/2024 do dây chuyền xử lý thường xuyên bị trục trặc. Khi đã hết tháng 6/2024, cam kết vẫn không được thực hiện và Công ty Thành Vinh tiếp tục xin gia hạn đến hết tháng 8/2024.
Trao đổi với PV Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường, ông Nguyễn Ngọc Ngưng, Chủ tịch UBND xã Kiến Thiết cho biết: “Việc bị ùn ứ rác thải là do dây chuyền, máy móc đã cũ không được sửa chữa và nâng cấp”. Để tập trung xử lý số rác thải tồn đọng, ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng đã chỉ đạo xã Kiến Thiết tạm dừng tiếp nhận rác từ các xã khác từ ngày 01/8/2024. Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị tạm thời hỗ trợ huyện Tiên Lãng trong việc thu gom, vận chuyển rác từ các xã này để bảo đảm vệ sinh môi trường.
Đến thực trạng ô nhiễm gia tăng từ rác thải sinh hoạt
Theo thống kê, Việt Nam nằm trong 20 quốc gia có lượng rác thải lớn nhất và cao hơn mức trung bình thế giới. Hiện nay, cả nước đang thải ra môi trường khoảng 60.000 tấn rác thải sinh hoạt mỗi ngày, trong đó khoảng 60% là rác thải sinh hoạt đô thị. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, trên 70% lượng rác thải sinh hoạt tại nước ta được xử lý bằng phương pháp chôn lấp, trong đó chỉ có khoảng dưới 20% là được chôn lấp hợp vệ sinh.
Ô nhiễm môi trường do chất thải rắn sinh hoạt ở các vùng nông thôn, khu đô thị là câu chuyện đã cũ nhưng vẫn luôn hiện hữu. Việc xử lý rác thải sinh hoạt cũng trở nên áp lực hơn để đảm bảo chất lượng cuộc sống của người dân.
Hiện nay, sự gia tăng dân số cùng với quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ đã kéo theo chất thải rắn sinh hoạt gia tăng cả về khối lượng và chủng loại. Tuy nhiên, công tác quản lý chất thải sinh hoạt còn nhiều bất cập như: Tỷ lệ thu gom chất thải sinh hoạt tại nông thôn còn chưa cao, ý thức phân loại rác tại nguồn chưa cao, tỷ lệ tái chế còn thấp, phương thức xử lý chủ yếu là chôn lấp không hợp vệ sinh.
Nguyên nhân ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt đến từ việc thu gom, xử lý rác chưa triệt để. Nhận thức và ý thức về bảo vệ môi trường của một bộ phận người dân còn hạn chế. Ở nhiều vùng nông thôn còn xuất hiện những bãi rác tự phát cạnh con đường liên thôn, liên xã. Thậm chí, rác thải sinh hoạt còn được người dân thiếu ý thức đóng thành bao ném xuống sông, kênh, rạch. Các loại rác này đang được thải ra thiên nhiên và môi trường mỗi ngày mà hầu hết là chưa qua giải quyết và xử lý, hoặc giải quyết và xử lý không đạt tiêu chuẩn. Thực trạng đó không chỉ gây mất mỹ quan đô thị mà còn tác động tiêu cực đến môi trường.
Rác thải sinh hoạt chủ yếu được xử lý bằng cách chôn lấp không hợp vệ sinh.
Nhiều khu vực nông thôn còn gặp khó khăn trong xây dựng hạ tầng thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt; chưa có bãi rác tập trung hoặc bãi rác cách quá xa khu dân cư. Ngoài ra, việc đầu tư trong công tác quản lý chất thải nói chung, chất thải sinh hoạt nói riêng chưa được quan tâm đúng mức. Đặc biệt là việc lựa chọn công nghệ xử lý chưa phù hợp với điều kiện, đặc điểm kinh tế - xã hội từng địa phương, đặc điểm điều kiện tự nhiên của từng vùng miền. Quy mô, hệ thống xử lý rác thải chưa đáp ứng được sự gia tăng nhanh chóng của rác thải sinh hoạt.
Xử lý rác thải sinh hoạt đang là vấn đề nan giải đối với các quốc gia trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Chất thải rắn sinh hoạt nếu không được thu gom và phân loại đúng cách sẽ gây ra các tác hại đến môi trường đất, môi trường nước, môi trường không khí; đồng thời còn là nguyên nhân gây thất thoát nguồn tài nguyên thiên nhiên và thiệt hại về kinh tế.
Đối với người nông dân, ô nhiễm môi trường từ rác thải sinh hoạt có thể gây ra thiệt hại đối với ngành thủy sản do chất lượng nguồn nước bị suy giảm, nhiễm độc. Chất độc phát sinh ra môi trường không khí, ngấm vào đất và nước gây ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất trồng trọt. Ngoài việc ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội, ô nhiễm từ rác thải sinh hoạt còn là nguyên nhân làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.
Góc nhìn của chuyên gia về xử lý rác thải sinh hoạt
Lượng rác chôn lấp không hợp vệ sinh đang gây ô nhiễm cho môi trường đất, môi trường nước và không khí. Vấn đề này trở nên đặc biệt nghiêm trọng ở các thành phố lớn. Vì vậy mà Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường khuyến khích các địa phương đủ điều kiện chuyển sang đốt rác phát điện.
Theo đánh giá của các chuyên gia, đốt rác phát điện là công nghệ tối ưu trong việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiện nay. Đốt rác phát điện vừa giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường lại có thể thu hồi năng lượng. Công nghệ hiện đại này đã được sử dụng rộng rãi và hiệu quả tại nhiều nước phát triển như: Khối các nước châu Âu, Nhật Bản… Rác thải là nguồn tài nguyên có thể tái tuần hoàn, thu hồi năng lượng từ quá trình xử lý nên công nghệ đốt rác phát điện rất phù hợp với xu hướng kinh tế tuần hoàn mà thế giới đang đề cao.
Trả lời phỏng vấn Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường về đốt rác phát điện, PGS.TS Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Nhiệt Việt Nam cho biết: Trong tất cả phát biểu liên quan đến việc xử lý rác đều nói rằng, so với chôn lấp thì đốt rác là một biện pháp tốt hơn, nó xử lý được tương đối triệt để khi không tạo rỉ rác, tránh mùi xú uế, côn trùng nguy hại không có môi trường sinh trưởng, phát triển gây ra nhiều bệnh tật.
Việc đốt rác là một hướng đi tương đối tốt. Hiện nay, công nghệ xử lý rác của thế giới chiếm tỉ lệ cao nhất vẫn là đốt, nhưng đó là rác đã được phân loại tại nguồn không có những chất có thể sinh ra Dioxin, Furan. Tại Việt Nam, rác không được phân loại, đặt vào buồng thứ cấp vô hình chung mất tác dụng phân hủy nhiệt, làm Dioxin thải ra ngoài gây độc hại cho môi trường xung quanh.
Chúng ta phải đảm bảo không phát thải khí độc hại ra ngoài môi trường không khí xung quanh, giải quyết vấn đề tồn đọng rác là quan trọng nhưng cần đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn về khí thải. Việc thu điện là tận dụng từ hoạt động đốt rác, không thể coi là mục tiêu cuối cùng, vì phát điện mà bỏ qua các yếu tố khác, gây hại cho môi trường.
Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt phải đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn về khí thải. Ảnh: Dân Trí
Về vấn đề ô nhiễm môi trường tại các bãi xử lý rác, PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, Phó Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Viện trưởng Viện Chính sách Kinh tế Môi trường cho biết: Để xảy ra vấn đề ô nhiễm môi trường tại các bãi xử lý rác thì chính quyền địa phương cần xem xét tới vấn đề quy chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật, nếu xây dựng chưa đúng phải hoàn thiện và sửa cho đúng kỹ thuật.
Ngoài ra, bãi rác không có biện pháp xử lý nước thải, để nước rỉ rác chảy thẳng ra môi trường là sai, có dấu hiệu vi phạm pháp luật, vi phạm Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Việc để nước rỉ rác phát tán ra môi trường mà làm ảnh hưởng tới sức khỏe, kinh tế của người dân thì còn phải thực hiện nghĩa vụ đền bù và buộc phải khắc phục sự cố môi trường. Thứ nữa, chính quyền địa phương cần phải lắng nghe ý kiến của người dân, có các biện pháp khắc phục môi trường ngay lập tức để không ảnh hưởng tới người dân sống xung quanh.
Để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường tại bãi xử lý rác thải, đơn vị vận hành bãi rác phải nhanh chóng khắc phục, ngăn chặn không để nước rỉ rác chảy ra ngoài ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân sống xung quanh. Có biện pháp xử lý mùi hôi phát tán từ bãi rác. Ngoài ra, cần sớm hoàn thiện về quy hoạch bãi rác, xây dựng trạm xử lý rác đúng quy chuẩn, xây dựng hệ thống xử lý nước rỉ rác đúng quy chuẩn, xử lý việc phát tán mùi hôi ảnh hưởng đến người dân. Đồng thời phải xây hành lang bảo vệ môi trường xung quanh bãi rác, áp dụng các phương pháp xử lý rác thải thân thiện với môi trường.
Giải quyết bài toán rác thải sinh hoạt không chỉ một sớm một chiều mà đòi hỏi có sự thay đổi từ nhiều phía, theo hướng chuyên nghiệp, bài bản trong việc thu gom, xử lý rác thải. Nhìn từ thực trạng ùn ứ rác thải sinh hoạt tại nhà máy xử lý rác ở Tiên Lãng (Hải Phòng), để đảm bảo xử lý kịp thời và tăng tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt đúng quy định đòi hỏi những giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn. Đồng thời tăng cường thu hút đầu tư vào lĩnh vực đặc thù này với những dây chuyền xử lý rác hiệu quả, đáp ứng được khối lượng rác thải sinh hoạt tại các địa bàn.
Sông Hồng
Nguồn kinhtemoitruong.vn
Link bài gốchttps://kinhtemoitruong.vn/o-nhiem-moi-truong-do-rac-thai-sinh-hoat-nhin-tu-thuc-trang-tai-huyen-tien-lang-hai-phong-91516.html