Các quy định pháp luật, khung chế tài nghiêm ngặt và việc thực thi luật pháp hiệu quả là những yếu tố then chốt trong cuộc chiến chống lại ô nhiễm không khí.
Khung pháp lý hiện hành còn hạn chế
Ô nhiễm không khí đã trở thành vấn đề nghiêm trọng tại nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là ở các đô thị lớn. Ở Việt Nam, các TP như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thường xuyên ghi nhận mức độ ô nhiễm không khí vượt ngưỡng an toàn. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của hàng triệu người dân mà còn gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường, kinh tế và xã hội.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây ra hàng triệu ca tử vong sớm mỗi năm, chủ yếu do các bệnh lý về hô hấp và tim mạch. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do sự gia tăng ồ ạt của lượng phương tiện giao thông cơ giới, đặc biệt là xe máy, cùng với khí thải từ các khu công nghiệp và hoạt động xây dựng. Các giải pháp kiểm soát khí thải hiện hành đang gặp nhiều vướng mắc do thiếu đồng bộ và chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe.
Cần tăng hiệu quả thực thi pháp luật trong công tác bảo vệ môi trường không khí. Ảnh: Nguyễn Quý
Hiện nay, Luật Bảo vệ Môi trường 2020 và các văn bản pháp luật liên quan đã quy định khá đầy đủ về trách nhiệm quản lý, kiểm soát và xử phạt vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường không khí. Tuy nhiên, trên thực tế, việc thực thi pháp luật còn nhiều bất cập, dẫn đến tình trạng vi phạm diễn ra tràn lan. Một trong những điểm nghẽn lớn nhất là việc kiểm soát khí thải từ xe máy. Do đặc thù sở hữu phương tiện cá nhân và sinh kế của người dân, việc áp dụng các biện pháp kiểm soát khí thải gắt gao còn gặp nhiều khó khăn.
Các khu công nghiệp cũng là nguồn phát thải ô nhiễm không khí đáng kể, nhưng công tác giám sát và xử lý vi phạm tại đây còn nhiều hạn chế. Cùng với đó là sự thiếu hụt về nguồn lực và năng lực của các cơ quan quản lý môi trường. Nhiều cơ quan chưa đủ khả năng giám sát và kiểm tra thường xuyên, dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật mà không bị xử lý kịp thời. Bên cạnh đó, mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm thường không đủ sức răn đe, khiến cho các DN có xu hướng "lách luật" hoặc chấp nhận nộp phạt thay vì đầu tư vào các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm.
Luật sư Bùi Đình Ứng – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, chế tài pháp lý đối với các hành vi phạm pháp về môi trường hiện tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, quá trình thực hiện những quy định trên vẫn còn gặp nhiều vướng mắc. "Để nâng cao hiệu quả của các quy định pháp luật về môi trường, cần phải có sự cải thiện đáng kể trong việc thực thi và giám sát. Điều này đòi hỏi một sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, đồng thời cần có sự tham gia tích cực của cộng đồng và các tổ chức xã hội” – Luật sư Bùi Đình Ứng nhận định.
Bảo vệ không khí từ hành lang pháp lý
Các chuyên gia cho rằng, để khắc phục những hạn chế hiện nay, trước hết cần phải cập nhật và hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường. Các quy định pháp luật cần được điều chỉnh, bổ sung để phù hợp với thực tiễn và đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống hiện đại. Cụ thể, cần phải xây dựng các tiêu chuẩn chất lượng không khí rõ ràng, cụ thể và dễ thực hiện. Bên cạnh đó, cần tăng cường các chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm, bảo đảm tính răn đe và ngăn chặn.
Theo Luật sư Bùi Đình Ứng, hiệu quả của các quy định pháp luật phụ thuộc rất lớn vào việc thực thi. Do đó, cần nâng cao năng lực của các cơ quan quản lý Nhà nước, bảo đảm họ có đủ nguồn lực và khả năng để giám sát và kiểm tra thường xuyên. Đặc biệt, cần phải có các biện pháp kiểm soát và đánh giá độc lập, tránh tình trạng "vừa đá bóng vừa thổi còi".
Trong khi đó, PGS.TS Bùi Thị An – Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển cộng đồng cho rằng, để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường nói chung và bảo vệ môi trường không khí nói riêng, sự tham gia của cộng đồng và các tổ chức xã hội trong việc giám sát là rất quan trọng. Họ có thể cung cấp thông tin, phản ánh kịp thời các vi phạm và tạo áp lực buộc các cơ quan chức năng phải hành động.
Theo PGS.TS Bùi Thị An, cộng đồng có vai trò then chốt trong việc giám sát và phản ánh thực trạng ô nhiễm. Sự tham gia của người dân không chỉ giúp phát hiện kịp thời các vi phạm mà còn tạo động lực để các cơ quan chức năng phải làm việc nghiêm túc hơn. Một giải pháp nữa cũng được PGS.TS Bùi Thị An nhắc tới là trách nhiệm quản lý của Nhà nước, người đứng đầu địa phương: “Cần phải trao trách nhiệm cho người quản lý, quy trách nhiệm về người đứng đầu địa phương”.
Theo các chuyên gia, ngoài các giải pháp mang tính pháp lý, để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường không khí, chúng ta cũng cần tăng cường hợp tác quốc tế. Việt Nam cần tham gia tích cực vào các hiệp định quốc tế về bảo vệ môi trường, học hỏi và áp dụng kinh nghiệm từ các quốc gia tiên tiến.
Việc chia sẻ thông tin, công nghệ và kinh nghiệm sẽ giúp Việt Nam nâng cao hiệu quả của các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm, đồng thời khẳng định cam kết của mình trong việc bảo vệ môi trường toàn cầu. Hợp tác quốc tế không chỉ giúp chúng ta học hỏi kinh nghiệm và công nghệ tiên tiến mà còn tạo ra một mạng lưới hỗ trợ và chia sẻ thông tin, giúp nâng cao hiệu quả của các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí.
Việc giảm thiểu ô nhiễm không khí đòi hỏi một hệ thống giải pháp toàn diện, trong đó chế tài pháp lý giữ vai trò không thể thiếu. Để đạt được hiệu quả bền vững, cần có sự cải thiện đáng kể trong việc xây dựng và thực thi pháp luật, đồng thời cần có sự tham gia tích cực của cộng đồng và hợp tác quốc tế. Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể bảo vệ được môi trường không khí và bảo đảm sức khỏe cho thế hệ mai sau.
“Nội dung ở đâyViệc thực thi luật cần phải mạnh mẽ hơn, cơ quan chức năng cần phải công khai, minh bạch toàn bộ cơ sở, tổ chức, DN gây ô nhiễm môi trường để việc xử phạt được nghiêm minh”.
Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển cộng đồng, PGS.TS Bùi Thị An
Nguồn kinhtedothi.vn
Link bài gốchttps://kinhtedothi.vn/giai-bai-toan-o-nhiem-khong-khi-qua-goc-nhin-phap-ly.html