(HNM) - Tính đến 23h ngày 12-4, thế giới đã ghi nhận 1.806.440 người dương tính với vi rút SARS-CoV-2 và 111.731 ca tử vong. Một tín hiệu đáng mừng là trong số các ca nhiễm Covid-19 đến nay đã có gần 413.222 người được chữa khỏi. Tuy nhiên, trước việc một số quốc gia có dấu hiệu dỡ bỏ phong tỏa hoặc nới lỏng các biện pháp cách ly xã hội, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngay lập tức đưa ra cảnh báo rằng việc làm vội vã này có thể dẫn tới rủi ro, đó là sự hồi sinh “chết người” của dịch bệnh.
Italia, Áo, Đan Mạch, Na Uy, Cộng hòa Séc là những quốc gia đầu tiên tại châu Âu gỡ bỏ dần lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn dịch Covid-19. Trong đó, Italia đã "chiến đấu" với dịch Covid-19 ròng rã từ cuối tháng 2 và là quốc gia áp dụng các biện pháp cách ly xã hội nghiêm ngặt nhất ở châu Âu. Hiện tình hình kiểm soát dịch Covid-19 tại Italia đang trên đà cải thiện, đặc biệt khi tỷ lệ người dương tính với vi rút SARS-CoV-2 đã giảm trong khoảng 1 tuần qua. Thủ tướng Italia Giuseppe Conte đang gấp rút tiến hành tham vấn với các chuyên gia y tế để chuẩn bị cho đất nước bước vào giai đoạn 2 của tình trạng phong tỏa, với một số biện pháp được nới lỏng nhằm giảm bớt áp lực cho nền kinh tế. Theo sắc lệnh mới, các cửa hàng văn phòng phẩm, quần áo trẻ em và một số hoạt động sản xuất có thể mở cửa trở lại sau ngày 14-4.
Đầu tuần này, Áo trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Âu công bố bản đồ chỉ dẫn các tuyến đường được dỡ bỏ lệnh phong tỏa. Các biện pháp hạn chế khác sẽ được Áo nới lỏng từ ngày 14-4 và các cửa hàng ở quy mô nhất định sẽ được phép mở cửa trở lại. Tương tự, Cộng hòa Séc cho phép một số cửa hàng mở cửa trở lại từ ngày 9-4. Trong khi đó, Đan Mạch sẽ cho phép các hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp hoạt động trở lại sau Lễ Phục sinh (12-4).
Các chuyên gia y tế nhận định, tình hình dịch bệnh tại một số nước đã có những chỉ dấu lạc quan, tuy nhiên hiện còn quá sớm để dỡ bỏ phong tỏa hoặc nới lỏng các biện pháp cách ly xã hội. Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 10-4, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh, việc dỡ bỏ những biện pháp hạn chế có thể dẫn đến sự hồi sinh “chết người” của dịch bệnh.
Người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, vào thời điểm này một số nước đang lên kế hoạch nới lỏng các quy định về cách ly xã hội. Tuy nhiên, quyết định dỡ bỏ các biện pháp hạn chế cần được cân nhắc dựa trên tình hình kiểm soát dịch bệnh, cũng như khả năng ứng phó của lực lượng y tế.
Những ngày gần đây truyền thông quốc tế đánh giá cao các biện pháp cách ly xã hội của New Zealand khi quốc gia này không chỉ “làm phẳng đường cong” mà còn kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 chỉ trong 2 tuần. Theo lệnh phong tỏa toàn quốc, kể từ ngày 25-3, người dân New Zealand phải ở nhà trong 4 tuần và chỉ được ra ngoài khi có việc cần thiết như khám bệnh, đi siêu thị. Từ những ngày đầu dịch bệnh bùng phát, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern và cộng sự của bà đã đưa ra thông điệp đơn giản nhưng quan trọng: “Hãy ở nhà. Đừng tiếp xúc với bất kỳ ai ngoài người nhà của bạn”. Sau khi đạt đỉnh vào ngày 2-4 với 89 ca mắc bệnh, số ca nhiễm vi rút mới trong ngày của New Zealand giảm dần. Phần lớn các ca mắc Covid-19 mới đều có liên quan đến những người từ nước ngoài về, do đó, việc theo dõi tiếp xúc trở nên dễ dàng hơn.
Trong bối cảnh dịch bệnh trên thế giới còn nhiều diễn biến phức tạp, theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của châu Âu (ECDC), hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy dịch bệnh đã lên tới đỉnh điểm và không nên dỡ bỏ các biện pháp hạn chế hay phong tỏa. Việc làm vội vã này có thể dẫn tới rủi ro khiến các quốc gia không kịp trở tay.