Nghiên cứu đầu tiên được công bố trên trang JAMA ngày hôm qua, báo cáo các phát hiện từ một bệnh viện nhi ở Chicago, bang Illinois, Mỹ. Nghiên cứu thứ hai là một bản thảo in sẵn đang chờ đánh giá chuyên môn, được thực hiện tại thành phố Trento, Ý.
Theo đó, các nhà nghiên cứu ở Chicago đã kiểm tra nồng độ SARS-CoV-2 trong vòm họng hoặc vùng trên của cổ họng kết nối với đường mũi của trẻ em và người lớn. Kết quả cho thấy trẻ em từ 5 tuổi trở xuống phát triển các triệu chứng COVID-19 từ nhẹ đến trung bình có hàm lượng SARS-CoV-2 gấp 10 đến 100 lần so với trẻ vị thành niên và người lớn.
Bất cứ khi nào những đứa trẻ này ho, hắt hơi hoặc la hét, chúng sẽ đưa những giọt đầy vi rút từ vòm họng vào trong không khí. Nếu những đứa trẻ có số lượng vi rút gấp một trăm lần trong cổ họng và đường mũi so với người trưởng thành, thì lẽ dĩ nhiên rằng chúng sẽ lây lan vi rút cao hơn. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng trẻ em từ 5 đến 17 tuổi, cũng có triệu chứng COVID-19 từ nhẹ đến trung bình, có cùng lượng vi rút trong vòm họng giống như người lớn từ 18 tuổi trở lên.
Các tác giả kết luận rằng có khả năng trẻ em dù không dễ bị nhiễm COVID-19 nhưng vẫn thúc đẩy tốc độ lây lan của vi rút, tương tự như với một số bệnh về đường hô hấp khác.
Bản thảo thứ hai báo cáo kết quả của một nghiên cứu có sự theo dõi liên lạc rộng rãi được thực hiện tại Trentino, một vùng tự trị ở miền Bắc nước Ý. Mặc dù đã có lệnh đóng cửa bắt đầu vào tháng 3 nhưng trong hơn một tháng qua, số lượng các trường hợp lây nhiễm trong khu vực vẫn tăng theo cấp số nhân.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng mặc dù trẻ em có nguy cơ nhiễm bệnh thấp hơn người lớn, nhưng những đứa trẻ từ 14 tuổi trở xuống lây truyền vi rút cao hơn cho người khác. Nguy cơ truyền COVID-19 của trẻ nhỏ là 22,4%, nhiều hơn gấp đôi so với người lớn từ 30 đến 49 tuổi, những người có tỷ lệ truyền nhiễm là khoảng 11%.
“Mặc dù ít trở thành ca nhiễm bệnh nhưng trẻ em có nhiều khả năng lây nhiễm cho các thành viên trong gia đình”, báo cáo viết.
Các nhà khoa học cũng nhận thấy những người tham gia nghiên cứu trẻ tuổi nhất là những người truyền bệnh cao nhất, dẫn chứng rằng vi rút hợp bào hô hấp là một ví dụ về một bệnh truyền nhiễm khác dẫn chứng cho nhận định này. Theo đó, trẻ càng nhỏ thì nồng độ SARS-CoV-2 trong đường mũi càng cao - một quan sát nhất quán với nghiên cứu ở Chicago.
Cả hai nghiên cứu đều chỉ ra những hệ lụy nghiêm trọng đối với các quốc gia đang dự tính mở cửa lại trường học trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát kéo dài và dễ mất kiểm soát này. Ngay cả khi trẻ em được yêu cầu rửa tay thường xuyên, không được chia sẻ đồ dùng và đeo khẩu trang mọi lúc mọi nơi, chúng ta không thể thực sự mong đợi chúng tuân theo các quy tắc như vậy. Miễn là vẫn còn hành vi sai trái thì vẫn còn sự lây lan tràn lan của dịch bệnh.
Hoàng Phương (theo Forbes)