Ứng dụng công nghệ trong tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp 2025

02/07/2025 17:06

Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025 trên toàn quốc được triển khai nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu về nông thôn và nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, phục vụ công tác nghiên cứu chuyên sâu, đáp ứng các yêu cầu thống kê khác.

Cục Thống kê cho biết, tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025 là một trong ba cuộc tổng điều tra thống kê quốc gia có quy mô lớn, ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc cung cấp thông tin đầy đủ, toàn diện về thực trạng phát triển nông nghiệp, nông thôn và đời sống của người dân nông thôn trên phạm vi cả nước. Đây là lần tổng điều tra thứ sáu kể từ năm 1994, được tổ chức trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh chuyển đổi xanh, phát triển nông nghiệp bền vững, và thực hiện các cam kết quốc tế về phát triển nông thôn, giảm nghèo và biến đổi khí hậu.

Thông tin của tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025 tăng so với năm 2016, nhằm đáp ứng đầy đủ hơn nhu cầu thông tin của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, bộ ngành, địa phương về thực trạng nông nghiệp, nông dân, nông thôn và chuyển dịch cơ cấu ngành nông lâm thuỷ sản, cơ cấu lao động nông thôn..

Cuộc tổng điều tra lần này thay đổi về phương pháp thực hiện lập bảng kê đơn vị điều tra phiếu hộ, giúp thu thập đầy đủ thông tin và tiết kiệm kinh phí. Khai thác tối đa dữ liệu hành chính và dữ liệu điều tra hiện có, nhằm giảm thiểu thu thập từ thực địa, giúp nâng cao hiệu quả của tổng điều tra.

Trong đó, triển khai hình thức thu thập thông tin, sử dụng phiếu điều tra điện tử (CAPI và Webform) và cách thức quản lý dữ liệu trực tuyến, nhằm kiểm soát tiến độ, chất lượng điều tra trong quá trình thu thập thông tin tại địa bàn; nâng cao trách nhiệm giải trình và quản lý dữ liệu tập trung, khai thác sử dụng phân tán.

(Ảnh minh họa). 

Cục Thống kê cũng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm tra, làm sạch và hoàn thiện số liệu. Đồng thời, nghiên cứu phương pháp chọn mẫu để đáp ứng yêu cầu thông tin: Với sự hỗ trợ của Tổ chức Nông lương thế giới (FAO), đã xây dựng 2 loại mẫu điều tra phục vụ suy rộng các chỉ tiêu SDG và các chỉ tiêu chuyên sâu về nông lâm thủy sản vừa nhằm đáp ứng mục tiêu thông tin vừa nâng cao hiệu quả của công tác thu thập thông tin.

Cục Thống kê đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng và hiệu quả trong điều tra thống kê. Tính đến năm 2025, trên 90% tổng số cuộc điều tra được sử dụng phiếu điều tra điện tử trên thiết bị di động (CAPI) hoặc trực tuyến (Webform) và ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các công đoạn: Quản lý mạng lưới điều tra, quản lý điều tra viên thống kê, quản lý giám sát viên, phân công nhiệm vụ, thực hiện thu thập thông tin, giám sát, xử lý làm sạch, lưu trữ và công bố kết quả…

Đồng thời, nghiên cứu áp dụng công nghệ học máy hỗ trợ kiểm tra, rà soát mã ngành kinh tế, ứng dụng AI hỗ trợ công tác thu thập thông tin, sử dụng định vị GPS của đơn vị điều tra trong công tác điều hành tác nghiệp, giám sát thực hiện điều tra và phổ biến kết quả, áp dụng phương pháp thu thập thông tin bằng hình thức phỏng vấn trực tiếp và gián tiếp.

Hệ thống phần mềm phục vụ quản lý điều hành, giám sát, thu thập, xử lý kết quả cuộc điều tra do đội ngũ kỹ sư tin học của ngành Thống kê thực hiện. Ứng dụng phục vụ thu thập thông tin trực tiếp được cài đặt trên thiết bị di động thông minh (sử dụng hệ điều hành Android hoặc iOS) của điều tra viên.

Công tác quản lý điều hành, giám sát, xử lý dữ liệu cuộc điều tra được thực hiện thông qua một website, bảo đảm đồng bộ, thống nhất từ trung ương đến địa phương. Phần mềm phục vụ điều tra được thiết kế, xây dựng và triển khai trên môi trường Internet áp dụng cho toàn bộ các công đoạn: Lập bảng kê, quản lý mạng lưới điều tra, phân công điều tra viên và giám sát viên, thu thập thông tin, giám sát điều tra và làm sạch số liệu, khai thác kết quả…

Cuộc tổng điều tra được thực hiện với các mục đích chính: Biên soạn các chỉ tiêu thống kê liên quan thuộc Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia; biên soạn các chỉ tiêu kinh tế - xã hội phục vụ việc đánh giá thực trạng, phân tích xu hướng biến đổi, xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển nông thôn, khu vực nông lâm thủy sản và cải thiện mức sống dân cư nông thôn trên phạm vi cả nước cũng như của từng địa phương. 

Tiếp đến phục vụ nghiên cứu đánh giá quy mô, cơ cấu lao động nông thôn và lao động nông lâm thủy sản; thay đổi kết cấu hạ tầng nông thôn; tình hình thực hiện một số nội dung của các chương trình, mục tiêu quốc gia trong lĩnh vực nông thôn và nông lâm thủy sản; phục vụ so sánh quốc tế về các chỉ tiêu nông thôn và khu vực nông lâm thủy sản.

Bên cạnh đó, xây dựng cơ sở dữ liệu về nông thôn và nông lâm thủy sản phục vụ công tác nghiên cứu chuyên sâu; làm dàn chọn mẫu cho một số cuộc điều tra định kỳ hằng năm về lĩnh vực nông lâm thủy sản và đáp ứng các yêu cầu thống kê khác.

Đối tượng điều tra bao gồm lao động tham gia hoạt động lâm nghiệp, thủy sản; Hộ dân cư có hoạt động lâm nghiệp, thủy sản; Các trang trại, doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực lâm nghiệp, thủy sản; UBND cấp xã. Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp 2025 được tiến hành từ ngày 1/7 và kéo dài trong 30 ngày, nhằm tạo cơ sở dữ liệu quan trọng cho việc hoạch định chính sách.../. 

 

 

Minh Thoa 

Nguồn thiennhienmoitruong.vn
Link bài gốc

https://thiennhienmoitruong.vn/ung-dung-cong-nghe-trong-tong-dieu-tra-nong-thon-nong-nghiep-2025.html

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Khoa học công nghệ giúp nâng cao giá trị ngành tôm Quảng Ninh

Áp dụng công nghệ hiện đại vào quá trình nuôi tôm đang góp phần nâng cao năng suất, kiểm soát dịch bệnh và giảm thiểu tác động môi trường tại Quảng Ninh. Nhiều mô hình nuôi tôm công nghệ cao đã cho thấy hiệu quả rõ rệt, mở ra hướng phát triển bền vững cho ngành thủy sản địa phương.