Khoa học công nghệ giúp nâng cao giá trị ngành tôm Quảng Ninh

01/07/2025 11:35

Áp dụng công nghệ hiện đại vào quá trình nuôi tôm đang góp phần nâng cao năng suất, kiểm soát dịch bệnh và giảm thiểu tác động môi trường tại Quảng Ninh. Nhiều mô hình nuôi tôm công nghệ cao đã cho thấy hiệu quả rõ rệt, mở ra hướng phát triển bền vững cho ngành thủy sản địa phương.

Tại Quảng Ninh, việc đưa khoa học công nghệ vào nuôi tôm đang trở thành xu hướng tất yếu nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong lĩnh vực thủy sản. Nhiều hộ nuôi và doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư các hệ thống nuôi tôm công nghệ cao như nhà màng, ao nuôi tuần hoàn, hệ thống quan trắc môi trường tự động và điều khiển từ xa. Các mô hình này không chỉ giúp kiểm soát tốt các yếu tố đầu vào như nhiệt độ, độ mặn, oxy hòa tan… mà còn giảm thiểu rủi ro dịch bệnh và nâng cao tỷ lệ sống của tôm nuôi. Bên cạnh đó, việc áp dụng quy trình nuôi khép kín giúp tiết kiệm nước, giảm thiểu chất thải ra môi trường và bảo đảm an toàn sinh học.

Nhờ đó, năng suất và chất lượng tôm được nâng cao rõ rệt, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường trong và ngoài nước. Việc ứng dụng khoa học công nghệ còn tạo tiền đề để Quảng Ninh xây dựng chuỗi giá trị ngành tôm gắn với chế biến sâu và truy xuất nguồn gốc. Đây là hướng đi phù hợp, góp phần khẳng định vị thế của địa phương trong chiến lược phát triển ngành thủy sản công nghệ cao.

Là địa phương sở hữu đường bờ biển dài, điều kiện khí hậu thuận lợi, Quảng Ninh có nhiều tiềm năng để phát triển nuôi trồng thuỷ sản (NTTS), trong đó có nghề nuôi tôm. Trên cơ sở đó, tỉnh chủ động định hướng lại cơ cấu sản xuất, xác định 2 đối tượng nuôi chủ lực cấp quốc gia là tôm thẻ chân trắng và tôm sú, tập trung tại các địa phương ven biển - nơi có diện tích và điều kiện nuôi tôm thuận lợi.

Theo số liệu từ Chi cục Biển, Hải đảo và Thủy sản, Kiểm ngư (Sở NN&MT), tính đến tháng 6/2025 toàn tỉnh Quảng Ninh có khoảng 2.250 cơ sở nuôi tôm, phân bố chủ yếu tại các địa phương ven biển. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, đẩy mạnh ứng dụng KHCN vào toàn bộ quy trình sản xuất đã góp phần tăng năng suất, giảm chi phí, vẫn đảm bảo yếu tố an toàn sinh học.

Đáng chú ý, các mô hình nuôi tôm tại Quảng Ninh chuyển mạnh từ quảng canh cải tiến sang thâm canh, siêu thâm canh, có áp dụng công nghệ cao và thân thiện môi trường. Nhờ đó năng suất tôm bình quân đạt hơn 10 tấn/ha/vụ, nhiều mô hình đạt tới 25-30 tấn/ha/vụ, mang lại thu nhập ổn định cho các hộ nuôi và doanh nghiệp.

Để giải bài toán về môi trường, dịch bệnh, chi phí và năng suất trong nuôi tôm, Quảng Ninh tiên phong đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ KHKT vào toàn bộ chuỗi sản xuất. Một trong những bước đột phá là triển khai mô hình nuôi tuần hoàn khép kín (RAS) - công nghệ hiện đại cho phép kiểm soát môi trường ao nuôi như nhiệt độ, độ pH, oxy hòa tan, amoniac… thông qua cảm biến kết nối Internet (IoT). Song song đó, các công nghệ như biofloc - sử dụng vi sinh xử lý chất thải trong ao nuôi, tự động cho ăn theo cảm biến, phần mềm AI cảnh báo môi trường, đang được triển khai rộng rãi.

Các mô hình nuôi tôm công nghệ cao mở ra hướng đi mới trong ngành NTTS của Quảng Ninh. (Ảnh: TK).  

Tính đến tháng 6/2025, tỉnh đã cấp 532 giấy xác nhận đăng ký NTTS, đang tiến hành gắn mã định danh điện tử cho từng cơ sở. Xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử ngành nuôi tôm đã giúp truy xuất nguồn gốc, giám sát dịch bệnh, hỗ trợ thống kê và minh bạch thông tin, là cơ sở để xây dựng thương hiệu "Tôm sạch Quảng Ninh" trên thị trường. Quảng Ninh cũng đang xây dựng mô hình nuôi tôm hữu cơ, phát triển theo chuỗi giá trị khép kín từ giống, thức ăn, nuôi trồng, thu hoạch, đến tiêu thụ.

Một số doanh nghiệp lớn đang hợp tác với nông dân trong mô hình "đầu vào - đầu ra": Doanh nghiệp cung cấp giống và công nghệ, bao tiêu sản phẩm; nông dân vận hành theo quy trình chuẩn. Đây là hướng đi giúp kiểm soát chất lượng đồng bộ, nâng cao hiệu quả sản xuất và giá trị thương mại.

Đề án phát triển chuỗi sản phẩm nông sản chủ lực tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030, ngành nuôi tôm sẽ phát triển theo hướng công nghệ cao, trong đó trên 50% sản lượng được nuôi theo công nghệ tuần hoàn hoặc bán tuần hoàn. Tất cả các cơ sở sẽ được định danh, truy xuất nguồn gốc, đảm bảo đủ điều kiện xuất khẩu vào các thị trường khắt khe như EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ…

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong nuôi tôm đang mở ra hướng phát triển mới, hiệu quả và bền vững cho ngành thủy sản Quảng Ninh. Thay vì phụ thuộc vào hình thức nuôi truyền thống dễ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và biến đổi môi trường, các mô hình nuôi tôm công nghệ cao giúp kiểm soát chặt chẽ quy trình sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng và giảm thiểu rủi ro.

Đây không chỉ là bước tiến về mặt kỹ thuật mà còn góp phần thay đổi tư duy sản xuất của người nuôi theo hướng chuyên nghiệp, bài bản hơn. Thực tế cho thấy, nhiều cơ sở áp dụng công nghệ mới đã đạt hiệu quả vượt trội về kinh tế, tạo động lực lan tỏa trong cộng đồng nuôi trồng thủy sản.

Trước nhưng yêu cầu ngày càng cao từ thị trường, việc ứng dụng khoa học công nghệ chính là đòn bẩy để ngành tôm Quảng Ninh nâng tầm vị thế, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Để duy trì đà phát triển này, địa phương cần tiếp tục hỗ trợ, khuyến khích đầu tư công nghệ, đào tạo nhân lực và mở rộng mô hình sản xuất thông minh trong lĩnh vực này.

 

 

Hoàng Nam

Nguồn thiennhienmoitruong.vn
Link bài gốc

https://thiennhienmoitruong.vn/khoa-hoc-cong-nghe-giup-nang-cao-gia-tri-nganh-tom-quang-ninh.html

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM