Phó chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm vừa ký Quyết định 17/2019/QĐ-UBND nhằm ban hành chính sách thu hút phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt với lĩnh vực TP.HCM có nhu cầu giai đoạn 2019-2022, quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15.7.
Theo đó, chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt được được hưởng mức trợ cấp ban đầu (chỉ áp dụng một lần và áp dụng cho lần ký hợp đồng đầu tiên) là 100 triệu đồng. Ngoài ra, người có tài năng đặc biệt được hưởng mức hỗ trợ sinh hoạt phí theo năng lực, thành tích cá nhân đã đạt được là 30-50 triệu đồng/người/tháng.
Riêng chuyên gia, nhà khoa học sẽ được chi trả mức lương hằng tháng với số tiền bằng mức lương cơ sở nhân với hệ số bảng lương chuyên gia cao cấp. Giáo sư, phó giáo sư hưởng bậc 2 (hệ số 9,40), các trường hợp còn lại được hưởng bậc 1 (hệ số 8,80).
Mức tiền lương hằng tháng nêu trên đã bao gồm tiền công lao động, chi phí phương tiện đi lại làm việc, tiền công làm thêm giờ, ngoài giờ… Nếu các chuyên gia, nhà khoa học thực hiện tốt nghĩa vụ hợp đồng, có thành tích xuất sắc, có nhiều cống hiến sẽ được tiếp tục ký hợp đồng cho giai đoạn tiếp theo thì được hưởng mức lương cao hơn một bậc so với hợp đồng lần đầu tiên.
Chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt cũng được bố trí nhà công vụ để ở. Nhưng nếu điều kiện không cho phép bố trí nhà công vụ được thì TP.HCM sẽ hỗ trợ tối đa 50% kinh phí thuê nhà ở (không vượt quá 7 triệu đồng/người/tháng).
Cũng theo quyết định này, cơ quan, đơn vị tiếp nhận các nhà khoa học, chuyên gia, người có tài năng đặc biệt nói trên có trách nhiệm tạo điều kiện, bố trí phương tiện đi lại làm việc trong khả năng và điều kiện của mỗi đơn vị.
Ngoài tiền lương, chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt còn có phụ cấp khuyến khích nghiên cứu khoa học, phát huy năng lực trí tuệ và phát triển công nghệ.
Cụ thể, cứ mỗi công trình, đề án, đề tài nghiên cứu khoa học, giải pháp, sáng kiến đổi mới kỹ thuật, tác phẩm văn hóa, nghệ thuật… từ cấp thành phố và tương đương trở lên được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, công nhận bằng văn bản thì được hưởng phụ cấp khuyến khích bằng 1% tổng ngân sách TP.HCM chi trả cho công trình đó. Tổng mức khuyến khích không thấp hơn 50 triệu đồng/người/công trình. Nếu công trình nghiên cứu được đầu tư hơn 100 tỉ đồng thì mức khuyến khích tối đa là 1 tỉ đồng/người/công trình.
Nếu có nhiều chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt cùng tham gia một công trình thì tổng số tiền phụ cấp khuyến khích cho cả nhóm tối đa 1,5 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, căn cứ vào mức độ đóng góp, tầm cỡ thành tích, giải thưởng đạt được trong thời gian công tác theo hợp đồng thu hút đã ký kết với TP.HCM, người có tài năng đặc biệt sẽ được hưởng mức khuyến khích tương xứng với công trạng cá nhân tối đa 1 tỉ đồng/người.
Người có tài năng đặc biệt
Theo định nghĩa của Sở Nội vụ TP.HCM, người có tài năng đặc biệt là người có đủ sức khỏe thể chất và tinh thần phù hợp với yêu cầu nghề nghiệp; có phẩm chất đạo đức và khát vọng cống hiến; có tri thức và năng lực đặc biệt xuất sắc trong một hoặc một số ngành, lĩnh vực; có khả năng lao động sáng tạo rất cao.
Họ đã đạt nhiều thành tích hoặc khả năng hoàn thành công việc, nhiệm vụ cụ thể với mức độ tốt vượt trội mà rất ít người có thể thực hiện được; có uy tín cao được giới chuyên môn và cộng đồng công nhận.
Những lĩnh vực thu hút người có tài năng đặc biệt gồm: nghiên cứu khoa học cơ bản; nghiên cứu sáng tạo, ứng dụng công nghệ cao; nhóm lĩnh vực hoạch định chính sách và xây dựng hạ tầng đô thị (xây dựng chính sách công và quản lý nhà nước trong kế hoạch - đầu tư, giáo dục và đào tạo; văn hóa, nghệ thuật - thể dục; xây dựng và quản lý đô thị...); dịch vụ công chất lượng cao (giáo dục đại học, sau đại học; y tế kỹ thuật cao).
Chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt phải có lý lịch rõ ràng. Nếu có quốc tịch nước ngoài thì phải không thuộc diện cấm hoặc hạn chế nhập cảnh
Người có tài năng đặc biệt phải là công dân Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Tùy theo vị trí cụ thể và yêu cầu của từng lĩnh vực, UBND TP.HCM sẽ thành lập các hội đồng thu hút, tuyển chọn. Quy trình tuyển chọn phải đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả, giảm thiểu thời gian chờ đợi của chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt cũng như cơ quan, đơn vị có nhu cầu thu hút.
Thiên Hà