Nhóm nhà khoa học thuộc đại học Sydney do giáo sư Vincent G. Gomes đứng đầu đã tìm ra phương thức biến nhân sầu riêng và mít thành siêu tụ điện hiệu suất cao hoặc thiết bị lưu trữ năng lượng. Sau đó chúng thậm chí sẽ được phát triển thành các ứng dụng khác như pin cho thiết bị điện tử.
Theo nhóm nhà khoa học: “Siêu tụ điện rất hứa hẹn cho việc lưu trữ năng lượng nhờ tính ổn định cùng khả năng phóng điện tuyệt vời”.
Dù vượt trội hơn pin cho thiết bị điện tử ở hai điểm là sạc lại rất nhanh, sạc nhiều lần vẫn không giảm hiệu suất, nhưng siêu tụ điện hiện vẫn chưa phổ biến vì mật độ năng lượng thấp hơn và giá cả đắt đỏ. Hỗn hợp carbon-graphene phủ điện cực trong siêu tụ điện có giá tiêu chuẩn khoảng 96 - 120 USD/gam, do đó nhóm của giáo sư Gomes hy vọng chuyển sang sử dụng chất hữu cơ từ sầu riêng và mít giúp giảm chi phí.
Họ trích xuất rồi biến mẫu sinh khối từ phần xơ trắng (không ai ăn) bên trong sang dạng aerogel màu đen, xốp, rất nhẹ - loại nguyên liệu phủ điện cực có diện tích bề mặt lớn, công suất cao hơn pin truyền thống, đặc biệt lại rẻ hơn.
Nhóm nhà khoa học nhận định do tình trạng nóng lên toàn cầu cũng như cạn kiệt nguồn nhiên liệu hóa thạch, phát triển thiết bị lưu trữ năng lượng từ nguồn thay thế là việc cần làm.
“Chuyển đổi chất thải thực phẩm thành sản phẩm có giá trị gia tăng sẽ không chỉ cải thiện kinh tế mà còn giảm ô nhiễm môi trường”, nhóm nhà khoa học nhấn mạnh.
Cẩm Bình (theo Straits Times)